Nội các Nhật Bản đã chính thức thông qua kế hoạch triển khai tàu chiến và máy bay thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đến Trung Đông giữa lúc khu vực này đang đối mặt nhiều bất ổn.
Một tàu khu trục lớp Takanami thuộc SDF sẽ được Nhật Bản điều động tới Trung Đông. Ảnh: Internet |
Theo đó, Tokyo sẽ đưa tàu khu trục lớp Takanami (tải trọng 4.650 tấn) có trực thăng chống ngầm và thủy thủ đoàn gồm 200 người, hai máy bay trinh sát P-3C kèm 60 nhân sự đến Vịnh Oman nhằm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền của nước này di chuyển qua khu vực.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các máy bay tuần tra nói trên vốn đang tham gia phòng chống hải tặc gần Somalia sẽ được điều động cho nhiệm vụ mới ngay vào tháng tới trong khi tàu chiến chính thức bắt đầu các hoạt động từ tháng 2-2020. Tổng dự toán cho chiến dịch kéo dài 1 năm và có thể được gia hạn này vào khoảng 4,68 tỷ yên (hơn 43 triệu USD).
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, lực lượng triển khai lần này có nhiệm vụ tập trung thu thập thông tin nhưng cũng được phép sử dụng các khí tài quân sự sẵn có để bảo vệ an toàn cho “tàu thuyền liên quan tới Nhật Bản” trong trường hợp khẩn cấp.
Quyết định của Tokyo được đưa ra trong bối cảnh Trung Đông, khu vực cung cấp gần 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản trở nên căng thẳng, đặc biệt từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015. Cùng với đó, việc Washington áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc đối với Tehran đã đẩy Trung Đông đến gần hơn bờ vực xung đột.
Theo thống kê, hiện có khoảng 20% trong số 3.900 tàu qua eo biển Hormuz và 1.800 tàu qua eo biển Bab el-Mande hàng năm có liên quan đến xứ Mặt trời mọc. Hồi tháng 6-2019, tàu chở dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản cùng một tàu khác đã bất ngờ bị tấn công tại eo biển Hormuz và hư hại nghiêm trọng giữa lúc Thủ tướng Shinzo Abe đang có chuyến thăm lịch sử tới Iran.
Bên cạnh mục tiêu bảo đảm an ninh cho hoạt động kinh tế, việc triển khai lực lượng tới Trung Đông cũng giúp Tokyo mở rộng vai trò trong các vấn đề quốc tế và khẳng định sự ủng hộ đối với Mỹ. Dù là đồng minh gần gũi, nhưng lâu nay Nhật Bản chưa tham gia liên minh chống Iran do chính quyền của Tổng thống D.Trump khởi xướng một phần vì không muốn làm tổn hại quan hệ hữu nghị truyền thống với nước Cộng hòa Hồi giáo. Do đó, sự hiện diện tại Trung Đông của quân đội Nhật Bản sẽ giúp Tokyo xoa dịu Washington.
Bên cạnh đó, trong gần 7 năm nắm quyền của Thủ tướng S.Abe, Nhật Bản đã tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng nhằm sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, đồng thời gia tăng sức ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mới đây, nước này đã thông báo kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng với mức kỷ lục, lên tới 48,5 tỷ USD cho năm tài chính 2020. Do vậy, bước đi lần này có thể được xem là sự chứng tỏ năng lực của lực lượng quân đội “được trang bị tốt nhất thế giới” trong việc tham gia giải quyết các vấn đề nóng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc đưa lực lượng tới Trung Đông đã gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận Nhật Bản. Hiện việc xây dựng quân đội chính quy và tham chiến ở nước ngoài vẫn bị cấm theo Hiến pháp mà Tokyo thông qua từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một cuộc trưng cầu dân ý gần đây cũng cho thấy có 50% số người được hỏi phản đối việc “xuất quân” trong khi chỉ có 33,7% đồng thuận.
Song, trong bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay, việc Tokyo thúc đẩy kế hoạch đưa lực lượng quân đội tới Trung Đông được coi là một mũi tên trúng hai đích. Động thái này không chỉ góp phần bảo đảm an toàn cho một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới mà còn khẳng định vị thế của Nhật Bản trên bản đồ quân sự toàn cầu./.
Theo HNM