Với nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, 2019 là một năm thực sự khó khăn, nhưng trong dài hạn, Mỹ mới là bên chịu thiệt.
Sau vụ Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei, Mạnh Vãn Chu vào cuối năm 2018 theo yêu cầu của giới chức Mỹ, tới tháng 5-2019, Huawei lại bị đưa vào “danh sách đen” thương mại của Washington, theo đó bị cấm hoạt động kinh doanh với các công ty Mỹ.
Vài tháng sau, một số công ty trí tuệ nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc như SenseTime, Megvii và Hikvision cũng bị bổ sung vào “danh sách đen” trong bối cảnh Washingtton lo ngại công nghệ theo dõi của các doanh nghiệp này có thể được chính quyền sử dụng.
Dẫn đầu các công ty Trung Quốc trong tầm ngắm là Tik Tok - ứng dụng mạng xã hội đăng tải video đang làm mưa làm gió ở nhiều quốc gia, được điều hành bởi công ty ByteDance của Trung Quốc - gần đây đã trở thành mối lo ngại của Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia, xâm phạm đời tư và bản quyền.
Một công nhân làm việc giữa những cánh tay robot tại nhà máy của Rapoo Technology tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Siết công nghệ, Mỹ muốn kiềm chế tham vọng Trung Quốc
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, tất cả diễn biến trên xảy ra trên nền cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, và làm tăng nghi ngờ tại Mỹ về tham vọng của Trung Quốc trở thành người dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ chiến lược như AI và 5G. Ông James Lewis, Giám đốc Chương trình Công nghệ và Chính sách công tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington D.C nói: “Người ta lo ngại Trung Quốc theo dõi họ, và nhiều người ở Washington được thuyết phục rằng Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ phương Tây”.
Ngoài ra, chính sách kiềm chế sự tiếp cận của các công ty công nghệ Trung Quốc tới sản phẩm và dịch vụ nguồn gốc Mỹ được cho là xuất phát từ nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn cản nước này đạt được sự tự chủ trong các công nghệ cốt lõi như công nghệ bán dẫn và phần mềm.
Việc Mỹ đưa những công ty như Huawei vào “danh sách đen” đã phơi bày điểm yếu phần mềm của Trung Quốc, đó là sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong chuỗi cung cấp toàn cầu. Chẳng hạn, khi mất quyền truy cập vào hệ điều hành Android của Google, doanh số bán ra của điện thoại Huawei ở nước ngoài đã lao dốc. Ai muốn dùng một smartphone Android mà không có ứng dụng của Google?
Kể cả những khối xây dựng cơ bản cho công nghệ như AI cũng nằm trong tay người Mỹ khi các công ty Trung Quốc vừa và nhỏ trong lĩnh vực này hầu hết sử dụng phần mềm từ các nền tảng mã nguồn mở gốc Mỹ như Tensorflow của Google hay Pytorch của Facebook.
Trung Quốc biến bất lợi thành ưu thế
Sau nhiều năm dài phụ thuộc vào phần mềm nước ngoài như hệ điều hành Windows của Microsoft hay các thiết bị bán dẫn nhập khẩu từ Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc), Bắc Kinh muốn xây dựng một con đường tự chủ, ngay cả khi điều này có nghĩa là họ sẽ phải làm lại từ đầu.
Trung Quốc bắt đầu với việc xây dựng một quỹ đầu tư trị giá 29 tỉ USD nhằm gây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn của riêng mình cũng như có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu cơ bản, khoa học và công nghệ.
“Mỹ đẩy mạnh những gì họ coi là cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng điều này đã phản tác dụng, bởi nó khuyến khích Huawei và Trung Quốc tăng tốc nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Và điều đó thực sự gây tổn hại cho chính các công ty công nghệ Mỹ trong dài hạn”, ông Andy Mok, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nhận xét.
Những dấu hiệu đầu tiên về cách Trung Quốc nỗ lực tự chủ công nghệ cho thấy họ có thể làm thay đổi hàng thập kỷ thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đầu tháng này, tờ Financial Times cho biết Bắc Kinh đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ và các thể chế công cộng ngừng sử dụng phần cứng và phần mềm nước ngoài trong vòng 3 năm, chuyển sang các nhà cung cấp trong nước. Các nhà phân tích ước tính rằng có đến 20-30 triệu phần cứng sẽ bị loại bỏ hoặc thay thế theo chỉ thị này.
Trong khi đó, tập đoàn thương mại điện tử và công nghệ khổng lồ Alibaba Group Holding, nơi có kho dữ liệu khổng lồ được thu thập từ hàng triệu người dùng có thể được sử dụng để ‘đào tạo’ các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), đã bắt đầu thiết kế chip (bộ vi xử lý) AI có thể được tối ưu hóa để chạy các tác vụ cụ thể liên quan đến AI.
T-Head, công ty con của Alibaba chuyên sản xuất chip, hồi tháng 9 tiết lộ họ đã chế tạo chip AI đầu tiên trên kiến trúc RISC-V mã nguồn mở, thay vì kiến trúc được cấp phép từ các công ty như Cambridge, ARM có trụ sở tại Anh. Công ty con sản xuất chip HiSilicon của Huawei vào tháng 8 cũng đã giới thiệu Ascend 910, được gọi là bộ vi xử lý AI mạnh nhất thế giới, nhắm mục tiêu đào tạo các mô hình AI.
Ý tưởng là khi AI ngày càng được sử dụng trong các doanh nghiệp để cải thiện hiệu quả và “mở khóa” sản lượng kinh tế, các chip AI do Trung Quốc thiết kế sẽ giúp đất nước vượt qua sự thiếu hụt chất bán dẫn và thậm chí dẫn đầu thế giới với việc sử dụng chip AI trong mọi thứ từ xe tự hành đến robot.
Với các công ty như Huawei, nơi hoạt động phụ thuộc nhiều vào các phần cứng như chip, việc thiết kế và cung cấp chip độc quyền sẽ đảm bảo rằng các thiết bị của họ sẽ được bảo vệ khỏi mọi tác động từ việc gián đoạn công nghệ từ Mỹ. Theo báo cáo của tờ Wall Street Journal hồi đầu tháng này, điện thoại Mate 30 mới nhất của Huawei hiện không chứa linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ, mặc dù một số công ty Mỹ đã nhượng bộ để tiếp tục kinh doanh với Huawei.
Theo ông Conor O’Mara, Giám đốc điều hành tại châu Á của tập đoàn đầu tư tài chính Jefferies (Mỹ), chiến lược “khử Mỹ” này của các công ty công nghệ Trung Quốc là không thể tránh khỏi trong năm 2020 tới, khi có nhiều công ty Trung Quốc đã rơi vào “danh sách đen” thương mại Mỹ.
Tuy vậy, diễn biến này lại rất tích cực đối với ngành công nghiệp phần mềm Trung Quốc. Những người khổng lồ như Oracle sẽ bị thay thế, khi doanh nghiệp Trung Quốc ưu tiên cho Kingdee hay Alibaba Cloud”, ông O’Mara nói.
Một số công ty phần cứng của Mỹ, như Intel và Dell, cũng chứng kiến nhu cầu giảm nhẹ từ Trung Quốc. Trung Quốc đại diện cho một thị trường rộng lớn, quan trọng mà họ không thể để mất. Hồi tháng 11 Dell cho biết hoạt động kinh doanh máy chủ tại Trung Quốc đã giảm và Intel đầu năm nay đã sửa đổi chỉ tiêu doanh thu trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường đông dân nhất thế giới chậm lại.
“Hầu hết các công ty Mỹ ở Trung Quốc đã điều chỉnh kỳ vọng tăng doanh xuống 0% hoặc dưới 5%”, ông O’Mara cho biết và nhận định thêm rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong công nghệ sẽ còn tiếp tục mở rộng trong tương lai./.
Thu Hằng/Báo Tin tức