Ngày 6-11, Ủy ban châu Âu ra thông cáo cho biết, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã nhất trí bảo hộ 100 loại hàng hóa có chỉ dẫn địa lý của mỗi bên. Theo thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cụ thể được đưa vào danh mục bảo hộ bao gồm rượu whiskey của Ireland, phô mai và thịt nguội Parma, trà trắng An Cát, gạo Panjin...
Số lượng các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được đưa vào danh mục bảo hộ lần này đã tăng mạnh so với con số 10 sản phẩm trong thỏa thuận được ký năm 2012.
Theo Cao ủy EU phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn Phil Hogan, thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy thương mại giữa hai bên bởi người tiêu dùng luôn sẵn sàng chi trả số tiền cao hơn để mua các sản phẩm có độ tin cậy cao về nguồn gốc và xuất xứ. “Đây là một thắng lợi của hai phía, giúp đẩy mạnh mối quan hệ thương mại, mang lại lợi ích cho lĩnh vực nông sản, thực phẩm và người tiêu dùng”, ông Phil Hogan nói. Ủy ban châu Âu cho biết, trong thời gian tới, thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc sẽ được trình lên Nghị viện và Hội đồng châu Âu để phê duyệt và dự kiến có hiệu lực vào năm 2020.
Trong 12 tháng tính tới tháng 8-2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản từ EU sang Trung Quốc đạt khoảng 12,8 tỷ euro.
Nhiều nước thành viên Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba
Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 ngày 6-11 đã bắt đầu phiên thảo luận hàng năm về lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Phát biểu tại sự kiện này, đại diện nhiều nước thành viên Liên hợp quốc đã kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba.
Ngoài việc kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận đối với Cuba, nhiều nước thành viên Liên hợp quốc cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gia tăng các lệnh trừng phạt và hạn chế đối với Cuba trong vòng 1 năm qua. Đại diện nhóm G77 các nước đang phát triển và Trung Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ảnh hưởng tiêu cực đối với người dân Cuba, cụ thể là đầu tư nước ngoài và tiếp cận tín dụng phát triển. Trong khi đó, đại diện cho Phong trào Không liên kết cho rằng các lệnh cấm của Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới Cuba mà nhiều nước thứ 3 khác. Một số đại biểu cáo buộc Mỹ sử dụng các lệnh trừng phạt như một công cụ chính trị nhằm lật đổ chính phủ Cuba, vi phạm luật pháp quốc tế trong việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã vi phạm luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định thực tế quan hệ Việt - Mỹ cho thấy chỉ có đối thoại xây dựng và cam kết mới có thể củng cố lòng tin lẫn nhau và mang lại thay đổi tích cực. Đại sứ Đặng Đình Quý cũng kêu gọi Mỹ đảo ngược chính sách hiện nay của mình đối với Cuba vì không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Cuba mà còn vì hòa bình, ổn định và phát triển của toàn khu vực.
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 7-11 tiếp tục nhóm họp để thảo luận về sự cần thiết chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba./.
PV