Phát biểu với phóng viên tại một hội nghị an ninh diễn ra ở thành phố Halifax thuộc tỉnh Nova Scotia của Canada, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng hoàn tất thỏa thuận (giai đoạn một) trước cuối năm nay. Tôi nghĩ điều đó vẫn khả thi”.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien. (Nguồn: Anadolu) |
Ngày 22-11, trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố các quan chức đàm phán thương mại hai nước đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận, nhưng bản thân ông không nóng lòng hoàn tất một thỏa thuận với Bắc Kinh. Cũng theo nhà lãnh đạo Mỹ, nguồn thu từ thuế áp bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là “của trời cho”, mặc dù nhiều chuyên gia lại cho rằng nguồn thu này đang gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế số một thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) cùng ngày cho biết Bắc Kinh muốn một thỏa thuận thương mại với Washington nhưng không ngại đáp trả nếu cần thiết.
Phát biểu với các đại diện tham dự Diễn đàn Kinh tế mới tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc muốn hợp tác (với Mỹ) để đạt được thỏa thuận giai đoạn một dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau… Khi cần thiết chúng tôi sẽ đáp trả, song chúng tôi vẫn đang tích cực hợp tác để tránh xảy ra một cuộc chiến thương mại. Chúng tôi không khơi mào cuộc chiến này và đó không phải là điều chúng tôi muốn”.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang kể từ tháng 7-2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Đầu tháng này, hai bên thông báo đã nhất trí dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một nếu thỏa thuận này được hoàn tất.
Thái Lan lạc quan về triển vọng Hiệp định FTA với EU
Thái Lan mong muốn có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên hiệp châu Âu (EU) giống như Việt Nam, để giúp GDP nước này tăng trưởng 1,63%/năm, kích cầu đầu tư, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Đó là kết quả nghiên cứu của Vụ Đàm phán thương mại (Bộ Thương mại) và Viện nghiên cứu tương lai vì phát triển (IFD) của Thái Lan. Theo Vụ trưởng Đàm phán thương mại, bà Auramon Supthaweethum, nghiên cứu cho thấy FTA Thái Lan - EU dự kiến sẽ giúp nước này tăng xuất khẩu 3,43%, nhập khẩu 3,42% và đầu tư 2,74% mỗi năm. Ngoài ra, thu nhập của các gia đình và phúc lợi xã hội cũng được hưởng lợi. Các sản phẩm của Thái Lan dự kiến sẽ được lợi từ hiệp định FTA với EU gồm ô tô và phụ tùng, hàng dệt may, điện tử, hóa chất, cao su, nhựa, thực phẩm và thực phẩm chế biến, máy móc và phụ tùng, xây dựng và sản phẩm da. Ngược lại, một số sản phẩm của Thái Lan như đường, rau quả, trái cây và đậu lại chịu sức ép và cạnh tranh từ FTA này. “Nghiên cứu từ các Hiệp định FTA của EU với Singapore, Brasil và Việt Nam cho thấy Thái Lan sẽ được lợi trong mở rộng thị trường nếu đạt thỏa thuận FTA với EU, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực của các rào cản và bảo hộ thương mại”, bà Auramon nói.
Tuy nhiên, bà Auramon cũng cảnh báo các doanh nghiệp Thái Lan về tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe của phía EU trong việc tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm và dịch vụ như thương mại điện tử, cạnh tranh thương mại công bằng, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thái Lan phải sẵn sàng cho các cuộc đàm phán và chuẩn bị cẩn thận các biện pháp khắc phục cho các ngành bị ảnh hưởng./.
Theo TTXVN