Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 4-11 cho biết, nước này sẽ cùng với Mỹ tổ chức các cuộc đàm phán về hợp tác kinh tế trong tuần này.
Dự kiến, đối thoại kinh tế cấp cao Hàn - Mỹ (SED) sẽ diễn ra tại Seoul vào ngày 6-11 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho và Keith Krach - phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đây là Phiên đối thoại lần thứ tư kể từ năm 2015. Dự kiến, hai bên sẽ tập trung vào việc làm thế nào để tìm thấy điểm chung đối với sáng kiến Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ. Chính sách mới của Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và ngoại giao với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.
Hai bên cũng sẽ tìm hiểu các cách để thúc đẩy quan hệ kinh tế liên quan đến các vấn đề như môi trường, sức khỏe và trao quyền cho phụ nữ.
Khói mù độc hại đặc quánh vây kín Thủ đô New Delhi
Theo kênh truyền hình RT, chỉ số ô nhiễm không khí đo được tại Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi sáng 3-11 là 810 mg/m3 - gấp 30 lần chỉ số an toàn hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là 25.
Theo tiêu chuẩn Chỉ số chất lượng Không khí (AQI), chất lượng không khí trong khoảng 0-50 được coi là tốt, 401-500 là nghiêm trọng và trên 500 là đặc biệt nguy hiểm. Phương tiện truyền thông cũng đưa tin một số khu vực trong thành phố đã vượt qua mức kỷ lục.
Các trường học tại những thành phố lân cận Noida và Ghaziabad bị yêu cầu đóng cửa vì ô nhiễm. Tổng cộng có 32 chuyến bay tới New Delhi trong ngày 3-11 cũng đã chuyển hướng vì tầm nhìn trong khói mù bị hạn chế. Theo một nghiên cứu mới nhất thực hiện với trên 17 nghìn người từ khu vực Delhi và vùng Thủ đô Ấn Độ (NCR), hơn 40% cư dân Thủ đô New Delhi muốn chuyển đến một thành phố khác vì chất lượng không khí kém.
Về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, 13% số người được hỏi cho biết đã phải nhập viện và 29% phải đến gặp bác sĩ. Khoảng 44% gặp vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm nhưng chưa gặp bác sĩ hoặc bệnh viện, trong khi chỉ 14% cho biết họ không bị bất kỳ một ảnh hưởng nào.
Trong một nghiên cứu khoa học về sức khỏe cộng đồng mới công bố, chỉ trong năm 2015, tình trạng ô nhiễm đã lấy đi mạng sống của hơn 9 triệu người trên thế giới, trong đó tại Ấn Độ là 2,5 triệu người./.
Theo vov.vn