Quyết định kéo dài Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản mới đây của Hàn Quốc mở ra cơ hội giúp tháo gỡ “nút thắt” trong quan hệ của hai quốc gia láng giềng Đông Bắc Á và liên minh quân sự Nhật - Mỹ - Hàn tránh được nguy cơ rạn nứt…
Tiếp tục duy trì Hiệp định GSOMIA được hy vọng sẽ giúp tháo gỡ các "nút thắt" trong quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: AFP |
Ngày 22-11, Hàn Quốc đã quyết định kéo dài Hiệp định GSOMIA với Nhật Bản sau một thời gian cả hai bên kiên quyết giữ lập trường cứng rắn của mình khiến bất đồng kéo dài. Tuy nhiên, quyết định này được đưa ra với điều kiện “có thể chấm dứt hiệp định này bất cứ lúc nào”. Dù vậy, sự nhượng bộ của Hàn Quốc cũng được trông đợi sẽ giúp giảm bớt căng thẳng do những bất đồng lịch sử khiến mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không chỉ lan sang lĩnh vực thương mại mà cả những vấn đề khác. Quan hệ đi xuống giữa Hàn Quốc và Nhật Bản còn gây quan ngại làm phức tạp tình hình ngoại giao ở khu vực. Với quyết định duy trì tiếp thỏa thuận, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có thêm thời gian để đàm phán một giải pháp cho những vấn đề tranh cãi khác.
Như vậy Seoul đã tạm gác sang một bên những bất đồng với Tokyo và những rủi ro có thể gặp về đối nội, để có lựa chọn chiến lược nhằm duy trì sự ổn định của liên minh quân sự Nhật - Mỹ - Hàn trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang tiềm ẩn những những nguy cơ khó lường. Kết quả thăm dò dư luận Hàn Quốc cho thấy người dân nước này ủng hộ mạnh mẽ việc chấm dứt thỏa thuận trên trong bối cảnh quan hệ song phương với Nhật Bản đang xấu đi. Nhiều ý kiến cho rằng đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, quyết định kéo dài Hiệp định GSOMIA là “hạ sách” trước thềm tổng tuyển cử vào tháng 4-2020.
Rõ ràng, Hàn Quốc có lợi ích khi duy trì Hiệp định GSOMIA. Hàn Quốc rất cần tới sự tồn tại của GSOMIA, nhất là trong bối cảnh gần đây Bình Nhưỡng gia tăng các vụ thử tên lửa gây quan ngại về an ninh, trong khi quan hệ liên Triều đang trong bầu không khí lạnh nhạt.
Được ký năm 2016, Hiệp định GSOMIA cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ các bí mật quân sự, đặc biệt là về năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chung mục đích là ứng phó với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khi ký GSOMIA vì hiệp định này giúp khắc phục các điểm yếu của cả hai trong vấn đề này. Khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, các vệ tinh cảnh báo sớm của quân đội Mỹ sẽ nhanh chóng phát hiện ra tên lửa này. Sau đó, Mỹ sẽ chia sẻ các thông tin như địa điểm phóng và quỹ đạo của tên lửa cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). SDF sẽ sử dụng các tàu tuần dương lớp Aegis trên biển Nhật Bản và các trạm radar trên đất liền để theo dõi tên lửa của Triều Tiên và xác định vị trí rơi cùng với các thông số kỹ thuật của tên lửa.
Tuy nhiên, các radar của Nhật Bản không thể phát hiện các tên lửa tầm ngắn hoặc các tên lửa bay với quỹ đạo thấp, và nếu không được tiếp cận dữ liệu radar của quân đội Hàn Quốc, trong một số trường hợp, Tokyo có thể sẽ không xác định được tầm xa, độ cao so với mặt biển hay loại tên lửa được phóng đi. Ngược lại, các radar của Seoul thường không thể theo dõi các tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Nhờ hợp tác trong khuôn khổ GSOMIA, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể trao đổi và so sánh các thông tin nhằm dễ dàng đưa ra một bức tranh toàn cảnh chính xác về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
GSOMIA được gia hạn tự động hằng năm, nhưng bất cứ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24-8. Từ năm 2016 đến nay, thỏa thuận này đã được gia hạn hai lần vào các năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, ngày 22-8 vừa qua, giữa lúc căng thẳng Nhật - Hàn leo thang, Hàn Quốc đã quyết định rút khỏi GSOMIA, đồng nghĩa với hiệp định này sẽ hết hạn vào đêm 22-11 giờ Nhật Bản.
Nhưng vào phút chót, Hàn Quốc đã quyết định kéo dài Hiệp định GSOMIA, đồng nghĩa hiệp định này tiếp tục có hiệu lực. Động thái thay đổi của Hàn Quốc cũng có thể là một phần kết quả của những tác động liên tục của Mỹ. Washington đã nhiều lần bày tỏ lo ngại trước việc Hàn Quốc không muốn kéo dài Hiệp định GSOMIA do có thể dẫn tới nguy cơ rạn nứt trong liên minh quân sự Nhật - Mỹ - Hàn. Thậm chí Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết khẳng định GSOMIA là “nền tảng của an ninh và quốc phòng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Duy trì GSOMIA cũng nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ, bởi sự ổn định của quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đã chứng tỏ vai trò trụ cột cho quan hệ hợp tác 3 bên Nhật - Mỹ - Hàn.
Về phần mình, Tokyo cũng lo ngại quyết định của Hàn Quốc có thể dẫn tới những rạn nứt trong quan hệ đồng minh an ninh chiến lược 3 bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực, theo hướng có lợi cho Triều Tiên và Trung Quốc.
Cả Nhật Bản và Mỹ đều bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định của Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhấn mạnh Seoul đã đưa ra một quyết định “chiến lược” vào phút chót, xuất phát từ “quan điểm chiến lược” về sự phối hợp 3 bên Nhật - Mỹ - Hàn trong vấn đề Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho biết quyết định của Seoul đã gửi đi thông điệp tích cực tới các đồng minh của Washington cho thấy có thể thảo luận để giải quyết các bất đồng song phương./.
MAI NGUYÊN
Theo qdnd.vn