Trong một bản tin phát sóng ngày 6-11, Đài truyền hình Iran nêu rõ: “Với sự chứng kiến của các thanh sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm ở Fordow”. Theo JCPOA năm 2015, Iran đã nhất trí biến Fordow thành một trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ, nơi có 1.044 máy ly tâm được dùng cho mục đích làm giàu khác như sản xuất các chất đồng vị, dùng cho các mục đích dân sự.

 Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa) trong chuyến thăm tới một nhà máy sản xuất urani ở Tehran. Ảnh: lapresse.ca.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa) trong chuyến thăm tới một nhà máy sản xuất urani ở Tehran. Ảnh: lapresse.ca.

Trước đó, ngày 5-11, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran Ali Akbar Salehi nêu rõ, Iran sẽ làm giàu urani ở mức 5% tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất từ ngày 6-11, đồng thời khẳng định Tehran có đủ khả năng làm giàu urani ở mức 20% nếu cần thiết. Hành động trên của Iran được thực hiện sau khi tổng thống nước này Hassan Rouhani tuyên bố khôi phục việc bơm khí urani vào các máy ly tâm tại Fordow, hoạt động bị tạm dừng khi nước này tham gia JCPOA.

Phản ứng trước động thái trên của Iran, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định, việc Tehran tăng cường hoạt động làm giàu urani bất chấp cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân là một bước đi lớn sai hướng. Washington khẳng định sẽ tiếp tục gây sức ép với Tehran trong vấn đề này. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn IAEA thực hiện vai trò thẩm tra độc lập tại Iran và trông đợi các báo cáo của IAEA về bất kỳ diễn biến nào trong chương trình hạt nhân của Iran. 

Iran từng bị cáo buộc làm giàu urani tại cơ sở Fordow dưới lòng đất để giảm quy mô hoạt động hạt nhân trước khi ký JCPOA. Tuy nhiên, Tehran liên tục bác cáo buộc Fordow có ý định sản xuất urani cấp độ vũ khí, cho rằng nhà máy chỉ được giao nhiệm vụ sản xuất urani ở mức thấp phục vụ các nhà máy điện. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran, nước này đã giảm bớt một số cam kết trong thỏa thuận. Ngày 7-7, Iran tuyên bố tăng mức làm giàu urani lên 5%, vượt ngưỡng 3,67% được quy định trong JCPOA. Quốc gia Cộng hòa Hồi giáo cũng ngừng một phần nghĩa vụ với thỏa thuận JCPOA vào ngày 8-5 vừa qua, đúng một năm sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran. Mới đây, ngày 4-11, Iran đưa vào sử dụng loạt 30 máy ly tâm IR-6 thế hệ mới và lượng sản xuất urani làm giàu của Iran đã đạt 5kg/ngày, một động thái được cho là tiếp tục thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận JCPOA.

Giới quan sát cho rằng, những động thái trên của Iran khiến cho số phận của JCPOA, vốn đã hết sức bấp bênh sau khi Mỹ rút khỏi, càng nguy cấp. Trên thực tế, biện pháp của Iran không chỉ nhằm đáp trả Mỹ, mà đây còn là cách gây áp lực đối với các đồng minh của Washington ở châu Âu, bao gồm: Pháp, Đức và Anh, cũng như Liên minh châu Âu (EU)-những bên muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân, buộc các đối tác này phải can thiệp để bảo đảm những lợi ích cho Iran. Tất cả các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân đều lo ngại trước những diễn biến mới liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran, bởi việc hủy hoại JCPOA chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, các nước trong khu vực sẽ phải tăng cường năng lực phòng thủ để đối phó với những thách thức an ninh mới một khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới đổ vỡ.

Theo qdnd.vn