Không còn là lời nói suông, chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức khởi động tiến trình “chia tay” Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Với tiến trình kéo dài một năm, Mỹ sẽ không còn là thành viên của thỏa thuận toàn cầu này từ ngày 4-11-2020.
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: TTXVN |
Quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho dù là “đáng tiếc” và “rất đáng thất vọng” nhưng lại không khiến dư luận bất ngờ. Không đáng tiếc sao được khi phải mất tới 20 năm, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ mới đạt được đồng thuận về toàn bộ các điều khoản để cùng đặt bút ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, có tính ràng buộc pháp lý trong việc kiểm soát khí nhà kính và hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu “tốt nhất là dưới 20C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp”. Việc một thành viên như Mỹ từng đóng góp công sức tạo nên thời khắc lịch sử của Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) , vào ngày 12-12-2015, “quay lưng” khiến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trở nên không được trọn vẹn. Và cũng không thất vọng sao được khi Mỹ-quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, lại quyết định trở thành “người ngoài cuộc” trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Sở dĩ nói việc Mỹ lựa chọn đứng ngoài nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm cứu hành tinh xanh không gây bất ngờ là bởi ngay từ khi mới “chân ướt chân ráo” vào Nhà Trắng cách đây hơn hai năm, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố việc tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cướp đi công ăn việc làm của người Mỹ trong ngành công nghiệp than đá, gây phương hại cho nền kinh tế số 1 thế giới và đẩy nước này vào thế bất lợi lâu dài so với các nước khác. Từ đó cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn xem các nỗ lực chống biến đổi khí hậu chỉ là “sự lãng phí tiền bạc”. Với những quyết sách đối ngoại bị gắn mác là “học thuyết rút lui” trong thời gian qua của Tổng thống Donald Trump, dư luận đều ý thức được rằng sớm hay muộn chính quyền Washington cũng sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với lý do “bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ”.
Không khó để nhận ra lý do Tổng thống Donald Trump quyết tâm rũ bỏ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đằng sau toan tính về lợi ích kinh tế như đã đề cập ở trên, bước đi này còn xuất phát từ mục tiêu chính trị. Trước hết, Tổng thống Donald Trump muốn “đền đáp” ngành công nghiệp than đá vốn đã hậu thuẫn ông không ít trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng hồi năm 2016. Không chỉ vậy, giờ đây khi chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai đã được khởi động, việc Tổng thống Donald Trump thực hiện cam kết tranh cử năm xưa cũng không nằm ngoài mục đích tiếp tục thu hút phiếu bầu từ những “cử tri ruột” cho cuộc chạy đua vào năm 2020.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là tại sao chính quyền Washington lại chọn thời điểm này, thay vì sớm hay muộn hơn để khởi động tiến trình “chia tay” Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu? Cần lưu ý rằng vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đang trải qua những ngày sóng gió khi Đảng Dân chủ thúc đẩy một cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông với cáo buộc lạm quyền. Bối cảnh đó khiến người ta không khỏi hoài nghi phải chăng ông chủ Nhà Trắng đang tìm cách lái sự chú ý của dư luận từ cuộc điều tra luận tội sang vấn đề chống biến đổi khí hậu?
Mỹ từng được xem là một trong những đầu tàu thúc đẩy các thỏa thuận đa phương toàn cầu. Thế nhưng kể từ khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng, mọi di sản đối ngoại ấy - dù là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay thỏa thuận hạt nhân Iran - đều bị xóa bỏ triệt để nhằm hướng tới mục tiêu cốt lõi “Nước Mỹ trên hết”. Từ một bên tham gia ký kết, Mỹ quay ngoắt 180 độ, từ chối thực thi trách nhiệm của mình. Dù vì mục đích gì đi chăng nữa, với “học thuyết rút lui”, Tổng thống Donald Trump vô hình trung đang khiến nước Mỹ bị mang tiếng “đánh trống bỏ dùi”! Và việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng không phải là một ngoại lệ./.
HOÀNG VŨ
Theo qdnd.vn