Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) liệt kê chi tiết những lo ngại của khối này với kế hoạch Brexit - chỉ việc Anh rời EU - đồng thời khẳng định London đã "nhượng bộ đáng kể" để hai bên có thể đạt thỏa thuận.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ ở thành phố Manchester ngày 2/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm tới một bệnh viện bên ngoài thủ đô London, ông Johnson nhấn mạnh Anh đã đưa ra một đề nghị rất "hào phóng, công bằng và hợp lý" và mong muốn EU nhanh chóng thể hiện rõ quan điểm. Nếu phía EU có vấn đề với bất kỳ đề xuất nào nêu trong kế hoạch thì hai bên nên ngồi lại để thảo luận chi tiết. Theo ông Johnson, vấn đề hiện nay là EU phải làm rõ họ phản đối điều gì, đề xuất điều gì và tại sao phải đối. Tuy nhiên, cho tới nay, phía Anh chưa nhận được bất kỳ thông tin chi tiết nào về quan điểm của EU đối với kế hoạch Brexit mà Anh đã đưa ra.
Trong khi đó, chia sẻ sau khi gặp các nhà đàm phán Brexit của Anh, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cho rằng Anh cần "thực tế và rõ ràng" hơn trong kế hoạch mới đề xuất để đạt thỏa thuận với EU. Chia sẻ trên Twitter, ông Blok khẳng định đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và chân thành về kế hoạch Brexit mới với Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay, người đang ở thăm Hà Lan. Theo Ngoại trưởng Hà Lan, vẫn còn những câu hỏi quan trọng trong kế hoạch Brexit mới và EU hoàn toàn ủng hộ trưởng đoàn đám phán Brexit của khối này, ông Michel Barnier, thể hiện qua việc Brussels tỏ ra thận trọng khi đưa ra phản ứng với kế hoạch mới của Anh.
Trước đó, hôm 2/10, Thủ tướng Johnson đã công bố kế hoạch Brexit được coi như cuối cùng của mình, với phần nội dung tập trung vào giải pháp duy trì đường biên giới mở trên đảo Ireland. Ông Johnson đề xuất duy trì vùng quy định chung trên toàn đảo, cho phép cơ quan lập pháp của vùng Bắc Ireland thể hiện quan điểm trước khi các dàn xếp được thực thi và sau đó có quyền đánh giá theo chu kỳ 4 năm/lần với những biện pháp này. Ngoài ra, Anh đề xuất hai bên cam kết không thiết lập các điểm kiểm tra tại biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland mà thay vào đó là áp dụng cơ chế "thuế quan phi tập trung" với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.
Thủ tướng Anh mong muốn giải pháp trên có thể thay thế cho điều khoản "chốt chặn" vốn bị coi là nguyên nhân khiến thỏa thuận Brexit đã được hai bên ký kết dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May, bị Quốc hội Anh bác bỏ trong cả 3 lần bỏ phiếu. EU tuyên bố chỉ xem xét loại bỏ điều khoản này khi phía Anh đưa ra một giải pháp thay thế "hiệu quả", đáp ứng mọi tiêu chuẩn của điều khoản cũ. Tuy EU chưa chính thức lên tiếng về quan điểm với giải pháp mới nhưng các phản hồi ban đầu từ phía quan chức EU là không thực sự tích cực.
Hiện London đặt mục tiêu hai bên có thể nhất trí về một thỏa thuận Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17-18/10 tới để Anh ra đi đúng hạn chót vào ngày 31/10. Tuy nhiên, việc Brussels chậm phản ứng trước đề xuất mới này có thể khiến mục tiêu này không thể thực hiện được.
Theo baotintuc.vn