Theo tờ The Guardian, tối 29-10 (theo giờ địa phương), Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch của Thủ tướng Boris Johnson về việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 12-12 tới, với kết quả 438 phiếu thuận và 20 phiếu chống.

  Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trong một phiên họp của Hạ viện Anh. Ảnh: EPA.
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trong một phiên họp của Hạ viện Anh. Ảnh: EPA.

Lý do lớn nhất khiến kế hoạch đưa Anh rời khỏi EU của Thủ tướng Boris Johnson vẫn chưa được thông qua đó là Đảng Bảo thủ của ông đã mất đi thế đa số trong Quốc hội. Và ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Boris Johnson là thúc đẩy tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm, với hy vọng cuộc bầu cử này sẽ mang lại cho ông thế đa số tại Quốc hội, để thông qua thỏa thuận Brexit mà ông đạt được với lãnh đạo EU hôm 17-10 vừa qua.

Chính vì vậy, kết quả cuộc bỏ phiếu vào tối 29-10 vừa qua của Hạ viện được coi là một thắng lợi chính trị quan trọng và đúng thời điểm của Thủ tướng Boris Johnson, sau khi ông không thể thực hiện lời hứa hoàn thành Brexit vào ngày 31-10-2019. Trước khi bỏ phiếu, ông Boris Johnson nhấn mạnh rằng đã đến lúc đất nước phải đoàn kết để hoàn thành kế hoạch rời khỏi mái nhà chung châu Âu.

Tại cuộc họp diễn ra trước đó ở Brussels (Bỉ), 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí gia hạn tiến trình Brexit thêm 3 tháng, tức đến ngày 31-1-2020, thay vì ngày 31-10-2019. "EU đã nhất trí sẽ chấp thuận đề nghị của Anh hoãn Brexit đến ngày 31-1-2020. Đây có thể là lần gia hạn cuối cùng. Hãy tận dụng tốt nhất thời gian này”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo trên mạng xã hội Twitter.

Những ngày vừa qua, Thủ tướng Boris Johnson đã nỗ lực liên lạc và đàm phán với các lãnh đạo EU cũng như các quốc gia thành viên. Và việc EU đồng ý gia hạn Brexit là kết quả đã được dự báo trước. Khoảng thời gian gia hạn kéo dài 3 tháng cũng được cho là đủ để ông Boris Johnson xử lý các vấn đề nội bộ nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là Quốc hội Anh sẽ phê chuẩn thỏa thuận Brexit.

Dự luật nói trên cần được Thượng viện Anh xem xét và phê chuẩn trước khi chính thức trở thành luật. Song, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như giới truyền thông Anh, nhiều khả năng Thượng viện sẽ tán thành đề xuất bầu cử sớm của Thủ tướng Boris Johnson.

Nếu không có bất ngờ nào xảy ra, sau khi dự luật này được Thượng viện nhất trí, các đảng phái sẽ có 5 tuần để tổ chức chiến dịch tranh cử. Và nước Anh sẽ tìm ra thủ tướng và chính phủ tiếp theo sau cuộc bầu cử vào ngày 12-12 tới.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng đây sẽ là một trong những cuộc bầu cử khó dự báo nhất trong nhiều năm qua tại xứ sở sương mù. Trong trường hợp không đảng nào chiến thắng, tiến trình Brexit sẽ tiếp tục nằm trong thế bế tắc. Hiện cũng chưa có gì bảo đảm nước Anh sẽ có một chính phủ đa số đủ để thúc đẩy thông qua thỏa thuận Brexit.

Trước đây, cựu Thủ tướng Theresa May từng áp dụng giải pháp bầu cử sớm để hy vọng thoát bế tắc Brexit. Nhưng trong cuộc bầu cử sớm năm 2017, Đảng Bảo thủ của bà Theresa May đã đánh mất thế đa số tại Quốc hội, dẫn tới việc bà liên tiếp thất bại trong nỗ lực tìm sự ủng hộ của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit.

Theo qdnd.vn