Trước nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái, Singapore lần đầu tiên nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ năm 2016, đồng thời phát tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh khi những rủi ro vẫn còn tiếp diễn. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế của đảo quốc Sư tử chịu ảnh hưởng mạnh bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đảo quốc Sư tử nới lỏng chính sách tiền tệ trước biến động của thương mại và xuất khẩu toàn cầu. Ảnh: Internet |
Trong những tháng gần đây, nền kinh tế Singapore đã chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng và xuất khẩu sụt giảm. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương nước này cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III chỉ đạt 0,6% so với quý II-2019. Mức tăng này giúp đảo quốc Sư tử tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật, sau khi tăng trưởng kinh tế đã giảm 2,7% trong quý II so với quý I-2019. Nếu so với cùng kỳ năm 2018, kinh tế Singapore quý III-2019 tăng 1%. Những con số được đưa ra cũng là mức thấp nhất trong một thập niên qua, sau đợt suy thoái khủng hoảng tài chính năm 2008. Với động lực tăng trưởng giảm dần, các nhà hoạch định chính sách Singapore hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2019 từ 1,5 đến 3,5% xuống còn 1,5-2,5%.
Sự giảm đà nói trên là do lĩnh vực thương mại - được coi là trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước này, chịu tác động từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Công ty Dự báo tài chính Oxford Economics cho thấy, Singapore là nước chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất trong số các nền kinh tế ở Đông Nam Á khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, khiến đầu tư và lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Lượng cầu hàng hóa giảm mạnh do Washington và Bắc Kinh trả đũa lẫn nhau bằng các mức thuế đánh vào hàng tỷ USD hàng hóa của hai bên, ảnh hưởng đến xuất khẩu toàn cầu. Nhiều ngành nghề chủ lực của Singapore cũng chịu tác động tiêu cực trong suốt thời gian qua.
Những thay đổi trên buộc đảo quốc Sư tử phải theo dõi sát sao biến động của nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ trên thế giới. Tương tự như các ngân hàng trung ương châu Âu, Australia, Ấn Độ, Thái Lan…, MAS đã chuyển sang chính sách tiền tệ mềm mỏng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng lãi suất, nước này lại quản lý chính sách tiền tệ bằng cách định hướng tỷ giá đồng nội tệ lên hoặc xuống so với một giỏ tiền tệ của các đối tác thương mại chính. MAS dự định sẽ áp dụng biện pháp cho phép một đồng đô la Singapore (SGD) yếu hơn để ứng phó với áp lực tăng trưởng và đà giảm tốc của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, ngân hàng trung ương nước này cũng có phương pháp tiếp cận từ tốn hơn, vừa theo dõi chặt chẽ các rủi ro đối với tăng trưởng, vừa bám sát các chỉ số thị trường việc làm.
Theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu đánh giá toàn diện năng lực cạnh tranh của 141 nền kinh tế do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 9-10, Singapore được xếp là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, với 84,8/100 điểm, nhờ nền tảng kinh tế vốn ở mức cao.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng số liệu GDP vừa được MAS công bố cho thấy nền kinh tế Singapore tránh được suy thoái kỹ thuật, song đây chưa phải là con số đáng để lạc quan khi suy thoái trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp diễn, vẽ ra một viễn cảnh không mấy sáng sủa cho tăng trưởng kinh tế chung. MAS dự báo tăng trưởng kinh tế của Singapore sẽ khởi sắc nhẹ trong năm tới và lạm phát duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, kịch bản này có thể không trở thành hiện thực bởi còn phụ thuộc vào sự bấp bênh đáng kể của môi trường bên ngoài. Cánh cửa nới lỏng chính sách tiền tệ của đảo quốc Sư tử vẫn cần được để ngỏ trong trường hợp cần thiết./.
Theo HNM