Phép màu không xuất hiện

08:10, 21/10/2019

Không có phép màu xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, diễn ra vào tối 19-10 (giờ Hà Nội).

Với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, các nghị sĩ đã thông qua đề xuất do cựu nghị sĩ Đảng Bảo thủ Oliver Letwin soạn thảo, theo đó chưa bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit mới đạt được giữa Thủ tướng nước này Boris Johnson và các nhà lãnh đạo EU hôm 17-10 vừa qua cho đến khi toàn bộ dự luật về Brexit được chính thức thông qua. Kết quả bỏ phiếu trên đã xóa tan hy vọng về một “Brexit có thỏa thuận” cho việc “xứ sở sương mù” rời khỏi EU vào ngày 31-10 đúng như kế hoạch.

EU và Anh đã mất 5 ngày đàm phán marathon ở mức độ căng thẳng nhất, với các phiên thảo luận xuyên đêm, để đạt được một thỏa thuận Brexit mới vào ngày 17-10, thay thế thỏa thuận mà cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã ký với EU trước đây. Thỏa thuận Brexit mới này đã giải quyết được điểm bế tắc chính trị trong thỏa thuận Brexit trước đó, cụ thể là vấn đề biên giới Ireland. Theo đó, Anh đã chấp nhận những kiểm tra hải quan tại khu vực biển Ireland nhằm tránh xảy ra đường biên giới cứng cũng như bảo đảm “sự toàn vẹn lãnh thổ của thị trường đơn lẻ”. Có lẽ, cả Anh và EU dường như đã thấm mệt sau chơi trò đuổi bắt trong gần 100 ngày dưới thời của ông Boris Johnson và gần 3 năm rưỡi kể từ ngày người dân Anh lựa chọn Brexit. Vì thế, nhượng bộ là cần thiết để London và Brussels đi đến thỏa thuận mới, mang lại hài lòng cho cả đôi bên.

Thủ tướng Anh Johnson và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Sky News
Thủ tướng Anh Johnson và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Ảnh: Sky News

Với cá nhân Thủ tướng Boris Johnson, thỏa thuận Brexit mới đã giải quyết được điểm bế tắc chính trị, đó là không còn từ “chốt chặn” (backstop) nhưng đổi lại là một cơ chế giám sát hải quan và thuế phức tạp hơn mà nước Anh phải gánh vác. Về mặt chính trị, đó là một sự ghi điểm mang tính biểu tượng của ông Boris Johnson với cử tri “xứ sở sương mù”.

Với EU, sự hài lòng lại nằm ở các dự án tương lai, khi khối này buộc Anh phải đưa ra cam kết rằng sẽ “chơi đẹp” trong những năm tới, tức là không biến London thành một Singapore ở “cửa ngõ” châu Âu thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn về thuế quan, môi trường và xã hội mà EU từng xây dựng.

Sự hài lòng chung mà cả EU lẫn chính phủ của ông Johnson đạt được chính là có thể khép lại cánh cửa đàm phán Brexit vốn làm hao tổn quá nhiều thời gian, sức lực và tài nguyên của cả hai phía trong suốt hơn 3 năm qua. Bất kể điều gì sẽ xảy ra vào ngày 31-10 tới, hai bên có lẽ đều đã thoát khỏi sức ép nặng nề nhất. Cả EU lẫn Chính phủ Anh hiện nay đều sẽ không còn bị lịch sử quy kết là thủ phạm gây ra cuộc ly hôn Brexit không thỏa thuận tàn khốc. “Quả bóng” trách nhiệm giờ đây đã được đá sang chân các nghị sĩ Anh.

Đó là lý do mà mọi sự chú ý ngày 19-10 đều đổ dồn về “xứ sở sương mù”. Lần đầu tiên kể từ sau cuộc xung đột năm 1982 với Argentina và là lần thứ tư kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần hai, Quốc hội Anh nhóm họp vào ngày thứ Bảy trọng đại (Super Saturday) để quyết định có thông qua hay không thỏa thuận Brexit mới.

Trước thời điểm diễn ra phiên họp của quốc hội ngày 19-10, đã xuất hiện sự lạc quan về “Brexit có thỏa thuận” của Thủ tướng Johnson sẽ giảm bớt nguy cơ tác động trực tiếp tới nền kinh tế nước nhà sau khi Anh rời EU vào cuối tháng này. Song cũng có không ít nghi ngờ rằng thỏa thuận trên có thể dẫn đến mối quan hệ thương mại lỏng lẻo với EU hậu Brexit, từ đó gây thiệt hại cho nền kinh tế và làm giảm tiêu chuẩn môi trường và lao động. Vì vậy, muốn giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu, ông Johnson phải lấy được lá phiếu của 55 nghị sĩ chưa tỏ rõ lập trường. Trong bài phát biểu tại quốc hội, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh, thỏa thuận mới này sẽ là “một lối đi mới tiến về phía trước”, là “thỏa thuận tốt hơn cho cả Anh và EU”, đồng thời cảnh báo rằng trì hoãn Brexit hơn nữa sẽ là “vô nghĩa, tốn kém và làm xói mòn sâu sắc lòng tin của công chúng”. 

Thế nhưng, chính trường Anh luôn khó đoán định. Sau ba lần bỏ phiếu thỏa thuận Brexit tại quốc hội thất bại, trong lần bỏ phiếu thứ tư này, nước Anh vẫn chưa tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 19-10 đồng nghĩa với việc ông Johnson sẽ phải sớm đưa ra quyết định: Đề nghị với EU gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020 hoặc Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 tới mà không có thỏa thuận nào. Thế nhưng, phát biểu ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Johnson đã tuyên bố không sẽ không đàm phán với EU về việc gia hạn Brexit mà sẽ tiếp tục đưa thỏa thuận Brexit mới đạt được với EU ra Quốc hội Anh vào tuần tới.

Trong trường hợp ông Johnson chấp nhận đề nghị EU gia hạn Brexit và các nước EU đồng ý, hai bên sẽ phải tiếp tục đàm phán một thỏa thuận khác. Tuy nhiên, dựa trên thực tế hiện nay, khi các nước EU đã quá mệt mỏi với Brexit và đang muốn sớm khép lại hồ sơ này càng sớm càng tốt, khả năng này khó khả thi. Bản thân ông Johnson từng nhiều lần tuyên bố sẽ không đề nghị EU gia hạn Brexit nên ông Johnson cũng có thể tìm mọi cách để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm. Cản trở lớn với ông Johnson là để một cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra, ông cần nhận được sự đồng ý của 2/3 số nghị sĩ tại Hạ viện. Yêu cầu này thậm chí còn khó hơn việc đạt được đa số ủng hộ để thỏa thuận Brexit mới được thông qua.

Nước Anh vẫn tiếp tục chìm đắm trong khủng hoảng Brexit vì sự bất đồng trong Quốc hội./.

 LINH OANH
Theo qdnd.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com