Hàng nghìn người di cư muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn vượt biển đến châu Âu, bất chấp nguy hiểm. Trong khi Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa thể tìm ra giải pháp chung; Đức, Pháp, I-ta-li-a và Man-ta đang hối thúc các nước thành viên thông qua cơ chế tiếp nhận người di cư tạm thời mà bốn nước này đã đạt được.
Tàu cứu hộ cập bến đảo Lam-pê-đu-xa của I-ta-li-a. Ảnh: THEGUARDIAN.COM |
Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), từ đầu năm 2019 đến nay, có hơn 78 nghìn người di cư đến châu Âu, trong đó hơn nửa là đến Hy Lạp. Khoảng 40% trong số đó là người di cư từ Áp-ga-ni-xtan và khoảng 20% là người Xy-ri. Trong năm 2019, số lượng người di cư đã được Tây Ban Nha tiếp nhận là gần 30 nghìn người di cư, I-ta-li-a là gần 8.000 người, Man-ta gần 1.600 người và Síp vào khoảng 800 người. Hy Lạp là quốc gia cửa ngõ, đang phải đối mặt sự tăng mạnh của dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện có khoảng 3,6 triệu người Xy-ri đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng này buộc Hy Lạp phải triển khai các biện pháp mạnh như siết chặt biên giới và trục xuất nhiều người di cư hơn. EU mới đây cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp phát hiện và ngăn chặn người di cư bất hợp pháp từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp.
Trong bối cảnh này, thỏa thuận tiếp nhận người di cư tạm thời giữa Đức, Pháp, I-ta-li-a và Man-ta nhất trí vào tháng 9 vừa qua sẽ cho phép việc tự động phân bổ người di cư được giải cứu tại Địa Trung Hải giữa các nước, tránh đặt gánh nặng lên các nước tuyến đầu như I-ta-li-a, Hy Lạp. Nhằm thúc đẩy cơ chế tạm thời, bốn nước thành viên EU đã trình văn kiện thỏa thuận tại cuộc họp các bộ trưởng Nội vụ EU mới diễn ra ở Luých-xăm-bua. Tuy nhiên, cơ chế này chưa được nhiều nước đón nhận do một số nước EU cho rằng, cơ chế này sẽ khuyến khích thêm người di cư vượt biển. Bộ trưởng Nội vụ Đức H.Xi-hô-phơ thừa nhận mối quan ngại nêu trên cũng như khả năng dễ đổ vỡ của thỏa thuận, song vẫn cảnh báo nếu EU không sớm đưa ra chính sách về người tị nạn, vấn đề di cư mất kiểm soát sẽ xảy ra trên khắp châu Âu. Đại diện Pháp bày tỏ hy vọng các nước thành viên EU sẽ xem xét thỏa thuận nêu trên từ góc độ nhân đạo; nêu rõ giải quyết vấn đề người di cư cần sự đồng lòng của tất cả các nước thành viên. Tại cuộc họp, Ủy viên EU phụ trách vấn đề di cư Đ.A-vra-mô-pu-lốt nhấn mạnh, không nên để tình trạng người di cư vượt Địa Trung Hải tiếp diễn; các bên không thể chỉ hướng đến một giải pháp chung về lâu dài, mà còn cần một cơ chế thường trực.
Cuộc họp nêu trên diễn ra sau khi xảy ra vụ lật thuyền chở 50 người di cư ở ngoài khơi đảo Lam-pê-đu-xa của I-ta-li-a, khiến ít nhất 13 người chết. Các tàu cứu hộ thường bị từ chối vào vùng biển của các nước EU trong nhiều tuần, khiến việc hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, cũng như gia tăng nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng của người di cư. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 1.000 người di cư chết trên biển Địa Trung Hải trong năm 2019, trong đó hầu hết các trường hợp xảy ra trên tuyến đường biển từ Li-bi đến châu Âu. Người phát ngôn UNHCR cũng kêu gọi cần hành động khẩn cấp nhằm giải quyết vấn đề này.
Các nước EU, nhất là những quốc gia cửa ngõ châu Âu, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tiếp nhận người di cư, bởi kéo theo đó là những tác động đời sống kinh tế, xã hội mỗi nước. Trong khi kế hoạch tăng cường các biện pháp ngăn chặn lại khiến người di cư mắc kẹt và đối mặt với nguy hiểm trên biển. Do vậy, trước khi đi đến một giải pháp đạt được sự đồng thuận chung, các quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các hoạt động cứu hộ trên biển; đồng thời sớm tiếp nhận và phân bổ người di cư một cách công bằng./.
Như Ngọc
Theo nhandan.com.vn