Những ngày qua, các quốc gia Đông - Nam Á chìm trong lớp khói mù dày đặc bắt nguồn từ cháy rừng nghiêm trọng tại Indonesia. Hàng loạt biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ sức khỏe người dân đã được tiến hành, song mức độ ô nhiễm gia tăng trong khu vực vẫn khiến người dân e ngại khi hoạt động ngoài trời.
Người dân thành phố Jakarta (Indonesia) đeo khẩu trang tránh khói bụi. Ảnh: NOW JAKARTA |
Trong khi rừng Amazon, “lá phổi xanh” của Trái đất, vừa hứng chịu những đám cháy nặng nề, thì tại khu vực Đông - Nam Á, các đám cháy rừng cũng khiến tình trạng ô nhiễm không khí của nhiều quốc gia ở mức đáng báo động. Hình ảnh chụp từ vệ tinh nhiều tuần qua cho thấy, khói mù dày đặc do cháy rừng ở Indonesia đã bao trùm một khu vực rộng lớn từ đảo Xu-ma-tơ-ra của Indonesia sang Singapore và Malaysia. Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) A.Uy-bô-u-ô cho biết, đã có hơn 919 nghìn người tại nước này bị viêm đường hô hấp cấp tính do ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng và cháy than bùn. Cho đến nay, Chính phủ “quốc gia vạn đảo” đã phân phát 73 nghìn khẩu trang cho người dân ở các tỉnh bị ảnh hưởng, triển khai nhiều điểm hỗ trợ y tế, cấp phát thuốc, thực phẩm... cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.
Tại các quốc gia khác trong khu vực Đông - Nam Á, những biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trước tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã được tiến hành. Hàng trăm trường học ở Malaysia phải đóng cửa. 500 nghìn khẩu trang đã được cung cấp cho người dân tại bang Sarawak do mức độ ô nhiễm không khí tăng cao. Chính phủ Malaysia đang xem xét áp dụng biện pháp tạo mưa nhân tạo ở những khu vực ô nhiễm, cùng với đó là tiếp tục nỗ lực dập tắt các đám cháy rừng. Tại Singapore, Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) đã cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí và khuyến cáo người dân chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế ở lâu ngoài trời... Chính quyền nhiều tỉnh ở miền nam Thái-lan cũng phát khẩu trang cho người dân và khách du lịch.
Các đám cháy rừng xảy ra ở Indonesia thường là do người dân đốt rừng phát quang đất để trồng cọ lấy dầu và các loại cây trồng khác. Chính phủ Indonesia đã huy động khoảng 10 nghìn người gồm binh sĩ, cảnh sát…, cùng hàng chục máy bay chở nước để dập tắt những đám cháy này. Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia cũng quyết định đóng cửa hơn 30 lâm trường trên các đảo, trong đó có đảo Sumatra, nhằm hạn chế tình trạng cháy rừng.
Bối cảnh khói bụi bao phủ nhiều quốc gia Đông - Nam Á thời gian qua đã làm dấy lên câu hỏi là làm thế nào để các nước trong khu vực cùng chung tay xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường. Tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra gần đây ở Đại học Colombia (Mỹ), Thủ tướng Malaysia M.Mohamad nhấn mạnh, Liên hợp quốc không nên coi vấn đề cháy rừng là vấn đề mang tính chất quốc gia nữa, mà phải là vấn đề của toàn thế giới. Ông M.Mohamad khẳng định, thế giới đang thiếu cơ chế hiệu quả xử lý các vụ cháy rừng. Nhà lãnh đạo Malaysia cũng nêu một thí dụ là các vụ cháy diễn ra gần đây ở rừng Amazon chủ yếu chưa được ngăn chặn hiệu quả là bởi hệ thống xử lý hiện tại của quốc tế không cho phép can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước Singapore M.Dun-ki-phli chia sẻ rằng, tình trạng khói mù do cháy rừng vốn không phải vấn đề mới đối với khu vực ASEAN, do đó, bản thân các nước ASEAN cần nêu cao sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để đạt được tầm nhìn chung của khu vực về xây dựng một ASEAN không còn khói mù vào năm 2020.
Liên hợp quốc từng cảnh báo, các vụ cháy rừng ở Indonesia đang khiến gần 10 triệu trẻ em nước này đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm ở Đông - Nam Á hiện ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân cũng như tác động xấu tới các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch, giao thông... Đây là “hồi chuông” thúc giục giới chức các nước trong khu vực cùng tìm ra các biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn triệt để các vụ đốt rừng./.
BẢO KHÁNH
Theo nhandan.com.vn