Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo vừa thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Israel nhằm thảo luận các vấn đề “nóng” của khu vực Trung Đông. Chuyến thăm của phái đoàn Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ đã tức thời làm dịu cuộc xung đột ở miền bắc Syria bằng việc Ankara đồng ý ngừng bắn trong chiến dịch tiến công người Cuốc. Các quan chức Mỹ cũng kịp thời trấn an đồng minh Israel về mối lo an ninh sau các động thái mới của Washington ở Trung Đông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (bên phải) tiếp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Ankara, ngày 17-10. Ảnh: Tân Hoa xã |
Trước thềm chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ M.Pence, Bộ trưởng Ngoại giao M.Pompeo tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara giữ thái độ cứng rắn và kiên quyết bảo vệ quan điểm về chiến dịch quân sự chống người Kurd ở miền bắc Syria. Bất chấp nhiều nước kêu gọi chấm dứt chiến dịch quân sự này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiến hành các cuộc tiến công lực lượng người Kurd với lý do tiêu diệt khủng bố, loại bỏ mối đe dọa an ninh ở khu vực biên giới với Syria. Sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump đe dọa áp đặt trừng phạt phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan còn tuyên bố sẽ không sắp xếp cho cuộc gặp các quan chức cấp cao Mỹ trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, thực tế, “gió đã đảo chiều”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc hội kiến Phó Tổng thống Mỹ M.Pence và sau cuộc gặp này, Ankara nhất trí tạm dừng chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria trong vòng năm ngày để lực lượng người Kurd rút khỏi “vùng an toàn” mà Ankara dự định thiết lập. Đổi lại, Washington sẽ không áp đặt trừng phạt thêm Ankara. Bên cạnh đó, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn hoàn toàn và lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) rút lui, Mỹ sẽ nhất trí dỡ bỏ trừng phạt đối với một số quan chức và cơ quan chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Mỹ D.Trump biểu dương “kết quả tuyệt vời từ Thổ Nhĩ Kỳ”, sau khi phái đoàn Mỹ tổ chức các cuộc hội đàm với giới chức Ankara về chiến dịch tiến công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào đông bắc Syria. Mỹ đã sử dụng ảnh hưởng của mối quan hệ đồng minh để có được một lệnh ngừng bắn tạm thời, nhằm xoa dịu dư luận, khi cả trong nội bộ chính quyền Mỹ và cộng đồng quốc tế đều có nhiều ý kiến phản đối quyết định rút quân của Mỹ khỏi đông bắc Syria, để mặc lực lượng người Kurd vốn được Mỹ hậu thuẫn phải một mình đối phó cuộc tiến công quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, giới phân tích khu vực cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ gần như đạt được các mục tiêu chủ chốt của mình sau khi triển khai chiến dịch quân sự, trong đó Ankara đã áp đặt điều kiện để buộc YPG phải rút khỏi “vùng an toàn” trong năm ngày ngừng bắn.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo đã “ghé qua” Israel, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ có cuộc gặp Thủ tướng Israel B.Netanyahu. Cuộc gặp là cơ hội để quan chức Mỹ trấn an đồng minh sau khi Israel bày tỏ lo ngại về quyết định rút quân của Mỹ khỏi miền bắc Syria. Israel lo ngại việc này sẽ để lại “khoảng trống an ninh” để Iran mở rộng hoạt động và gây ảnh hưởng ở khu vực, trong bối cảnh Tel Aviv luôn coi Tehran là mối đe doạ an ninh đối với Israel. Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng M.Pompeo, Thủ tướng B.Netanyahu khẳng định ông luôn coi trọng quá trình thảo luận về tăng cường sự kết nối giữa Israel và Mỹ, cũng như cách hai nước cùng nhau đối diện các thách thức.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã đề cập quan hệ chặt chẽ giữa hai đồng minh, đồng thời cho rằng đây là cơ hội để hai nước thảo luận trực tiếp về những thách thức hiện nay. Ông Pompeo khẳng định cam kết của Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các chính sách cứng rắn đối với Iran và lực lượng Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ an ninh ở khu vực biên giới Syria - Iraq, nơi mà Israel cáo buộc Iran vẫn tuồn vũ khí cho lực lượng Tehran hậu thuẫn ở Syria và khu vực. Mỹ một lần nữa khẳng định ủng hộ “quyền tự vệ” của Israel, trong bối cảnh Nhà nước Do thái tiếp tục có những chính sách chống người Palestine cũng như liên tục thực hiện các vụ không kích nhằm vào mục tiêu Iran ở Syria.
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các lực lượng Mỹ sẽ duy trì liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng người Kurd ở Syria để bảo đảm những nỗ lực trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Lầu năm góc cũng sẽ tiếp tục kế hoạch rút quân khỏi Syria, song vẫn tổ chức những chuyến bay do thám ở đây. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ đang sử dụng biện pháp “cơm sôi bớt lửa” nhằm xoa dịu mối quan hệ “căng như dây đàn” với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng muốn khẳng định tiếp tục dành “chiếc ô an ninh” vững chắc cho đồng minh Israel. Bởi chỉ có làm như vậy, Mỹ mới bảo toàn được những lợi ích chiến lược ở khu vực Trung Đông./.
Theo Nhân Dân