Khu vực Trung Đông tiếp tục trải qua biến cố lớn khi những máy bay không người lái bất ngờ tấn công hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Vụ việc gây thiệt hại nặng cho ngành năng lượng của Saudi Arabia cũng như thế giới, đồng thời khiến quan hệ Mỹ-Iran có chiều hướng gia tăng căng thẳng.
CNN dẫn thông báo của Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết, ngày 14-9, hai nhà máy của Tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco ở thành phố Abqaiq và Khurais của nước này đã bị tấn công bằng máy bay không người lái, dẫn tới hỏa hoạn. Đáng chú ý, địa điểm bị tấn công là nơi đặt cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới.
Hình ảnh lửa bốc lên từ cơ sở lọc dầu Abqaiq được phát trên truyền hình Saudi Arabia. Ảnh: Sky News. |
Phiến quân Houthi tại Yemen sau đó nhận trách nhiệm gây ra vụ việc, đồng thời tuyên bố vụ tấn công được thực hiện bởi 10 máy bay không người lái nhằm vào hai cơ sở sản xuất dầu nói trên của tập đoàn Aramco. Đại diện của Houthi còn cảnh báo các cuộc tấn công sẽ khiến tình hình tại Saudi Arabia tồi tệ hơn, để rồi Riyadh phải chấm dứt tấn công nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen.
Tháng trước, phiến quân Houthi cũng thừa nhận tiến hành các vụ tấn công nhằm vào một cơ sở hóa dầu của tập đoàn Aramco tại Shaybah, ngay sát biên giới với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, mặc dù đám cháy đã được khống chế, nhưng chuỗi cung cấp 5,7 triệu thùng dầu thô và khí đốt mỗi ngày của Aramco phải ngừng hoạt động, khiến sản lượng dầu mỏ của tập đoàn này giảm 50% và lượng cung dầu mỏ toàn cầu sụt giảm 5%.
"Những cuộc tấn công này không chỉ nhắm tới các cơ sở quan trọng của Saudi Arabia mà còn nhằm vào chuỗi cung cấp dầu thế giới, đe dọa kinh tế toàn cầu", Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, Tập đoàn Aramco đang cố gắng khắc phục thiệt hại, song chưa rõ bao giờ việc sản xuất tại hai cơ sở nói trên mới được nối lại.
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để lên án vụ tấn công và đề nghị hỗ trợ Saudi Arabia phòng thủ. Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho biết, Chính phủ Mỹ đang theo dõi tình hình, đồng thời vẫn cam kết bảo đảm nguồn cung tốt và ổn định cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong khi đó, phát biểu trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng cáo buộc Iran tấn công vào hai nhà máy của Tập đoàn Aramco và cho rằng Yemen không dính líu tới vụ việc. "Iran đứng đằng sau gần 100 vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia, trong khi tổng thống và ngoại trưởng nước này giả vờ cam kết ngoại giao. Giữa lúc tất cả đang kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng thì Iran lại tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào nguồn cung cấp năng lượng của thế giới. Không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc tấn công được triển khai từ Yemen", người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran ngay lập tức đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc này.
Hãng tin Reuters nhận định cuộc tấn công vừa qua đánh dấu mức leo thang mới trong căng thẳng tại vùng Vịnh về vấn đề Iran, đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Ngoài ra, cáo buộc của Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng là dấu hiệu cho thấy Washington sẽ tiếp tục đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với Tehran.
Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng vụ tấn công có thể gây ra một cú sốc đối với thị trường năng lượng thế giới và lo ngại các cơ sở hạ tầng năng lượng của Saudi Arabia có thể tiếp tục bị tấn công. Số liệu do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố hồi tháng 8 vừa qua cho thấy, mỗi ngày Saudi Arabia sản xuất khoảng 9,8 triệu thùng dầu thô và khí đốt.
Một số nhà phân tích cũng dự đoán, nguồn cung dầu mỏ sẽ bị thiếu hụt sau vụ tấn công vừa qua và chỉ có thể được bù đắp nếu Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran. Theo chuyên gia phân tích Sandy Fielden của Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu MorningStar, dự trữ dầu mỏ hiện tại của Saudi Arabia không đủ để bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt khoảng hơn 5 triệu thùng/ngày sau vụ tấn công. Và khi giá dầu thế giới tăng lên, Mỹ sẽ không còn cách nào khác ngoài việc cho phép Iran nối lại hoạt động xuất khẩu dầu thô.
Theo qdnd.vn