Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta, nhà chức trách Indonesia đã triển khai chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ sau khi một chiếc thủy phi cơ Twin Otter biến mất khỏi màn hình radar tại tỉnh Papua sáng 18-9.
Hãng thông tấn chính thức Antara của Indonesia cho biết máy bay trên chở 4 người gồm một phi công, một sĩ quan, một kỹ sư và một hành khách đã bị mất liên lạc sau khi cất cánh từ sân bay Moses Kilangain ở huyện Mimika đến tỉnh Papua. Theo giới chức sân bay, chiếc Twin Otter là máy bay thuê riêng của Công ty PT Carpediem và đang chuyên chở 1,6 tấn gạo cho Cơ quan Hậu cần nhà nước (Bulog).
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn thành phố Jayapura, ông Putu Agra, cho biết chiếc máy bay mất tích cất cánh lúc 10h36 (giờ địa phương) ngày 18-9 và dự kiến hạ cánh tại Ilaga lúc 11h09 cùng ngày. Hiện vẫn chưa xác định được vị trí máy bay mất tích, trong khi nhiên liệu chỉ đủ để bay trong 2 tiếng rưỡi.
Trong những năm gần đây, tại tỉnh Papua đã xảy ra nhiều sự cố hàng không. Mới đây nhất, ngày 28-6, một trực thăng MI-17 của Quân đội Indonesia với 12 người và phi hành đoàn cũng bị mất tích không lâu sau khi cất cánh.
Nguy cơ khô cạn nước ngọt ở thành phố lớn nhất Australia
Nguồn cung cấp nước ở Sydney, thành phố lớn nhất ở Australia, đang suy giảm một phần do các hoạt động khai thác khoáng sản bên dưới lưu vực tập trung nước ở thành phố. Đây là cảnh báo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học New South Wales (UNSW) đưa ra ngày 18-9.
Ông Duncan Rayner, kỹ sư trưởng tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu nước thuộc UNSW, cho biết các đầm than bùn ở vùng cao, nằm phía trên các vỉa than rộng lớn ở lưu vực tập trung nước của Sydney, đang đứng trước nguy cơ bị khô cạn do các hoạt động khai khoáng lâu dài. Ông nhấn mạnh các đầm than bùn này lọc và cung cấp một lượng lớn nước sạch mỗi năm và có rất nhiều đầm ở lưu vực nước Sydney.
Tuy nhiên, nghiên cứu của các chuyên gia UNSW cho thấy các hoạt động khai thác mỏ lâu dài, kéo theo sự hình thành các hầm ngầm ngang, đã làm rạn nứt tầng đá cát (sa thạch) và làm cạn kiệt các đầm ngập nước.
Cùng với một số cộng đồng và tổ chức sinh thái khác, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Rayner đang cố gắng xác định khối lượng nước mất đi từ nguồn cung cấp nước của Sydney cũng như những tác động về lâu dài của hoạt động khai thác mỏ tại lưu vực tập trung nước của thành phố này.
Các chuyên gia đề xuất siết chặt các quy định cấp phép cho hoạt động khai khoáng trong tương lai, đồng thời xem xét kỹ lưỡng những tác động có thể có của các dự án khai mỏ hiện tại đối với nguồn cung cấp nước ở Sydney./.
Theo baotintuc.vn