Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vẫn đang nỗ lực tháo gỡ bất đồng trong cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-9.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại chưa có hồi kết. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Getty Images |
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 30-8, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ không có thay đổi liên quan tới kế hoạch thu thuế ở mức 15% đối với một số hàng hóa trong danh sách các mặt hàng sẽ bị áp thuế trị giá 125 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1-9. Trước đó, Văn phòng Ðại diện thương mại Mỹ (USTR) cũng tái khẳng định các kế hoạch của Tổng thống Donald Trump áp thuế bổ sung 5% đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, dự kiến có hiệu lực lần lượt từ ngày 1-9 và 15-12 tới. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra cùng ngày với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, hai đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh và Washington vẫn duy trì kênh liên lạc hiệu quả.
Bất chấp chính sách thuế quan cứng rắn, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực tháo gỡ bất đồng liên quan đến vấn đề thương mại, nhằm hướng tới một thỏa thuận chấm dứt căng thẳng kéo dài hơn một năm qua. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hiện hai nước đang thảo luận về cuộc đàm phán thương mại trực tiếp, dự kiến được tổ chức tại Mỹ vào tháng 9.
Hơn ai hết, Washington hiểu rõ những tổn thất mà nền kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu do cuộc thương chiến bất phân thắng bại hiện nay. USTR cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đang ngày càng gia tăng do tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời hối thúc hai nước rút lại chính sách thuế quan mới, cũng như nối lại đàm phán.
Trước đó, Phố Wall gửi đi những tín hiệu cảnh báo nền kinh tế số 1 thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái do tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Theo kết quả khảo sát do Hiệp hội Các ngành kinh tế quốc gia Mỹ thực hiện hồi đầu tháng 8, khoảng 38% các nhà kinh tế được hỏi dự báo chu kỳ suy thoái tiếp theo của Mỹ sẽ bắt đầu vào năm 2020, trong khi có 34% các nhà kinh tế được hỏi khác tin rằng điều này sẽ xảy ra vào năm 2021.
Việc Mỹ bắt đầu áp thuế mới đối với tất cả hàng hóa còn lại của Trung Quốc vào ngày 1-9 được coi là một sự leo thang mới, có tác động lớn đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng hơn và gây tổn hại tới hầu hết các bang của Mỹ. Mặc dù chính quyền Mỹ đã quyết định lùi hạn chót áp thuế đối với một số mặt hàng, như: Ðiện thoại di động, máy tính xách tay và các mặt tiêu dùng khác cho tới ngày 15-12, tuy nhiên khi mức thuế mới đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1-9 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân Mỹ thông qua chuỗi cung ứng và việc gây sức ép lên giá cả các mặt hàng. Ngoài ra, hầu hết các bang của Mỹ, đặc biệt là các bang có quan hệ giao thương nhiều với Trung Quốc cũng sẽ khó tránh khỏi những tác động nghiêm trọng.
Về phần mình, Trung Quốc cũng hiểu rằng, lợi ích của Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gắn kết, vì thế các mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới này không thể bị chia cắt bởi bất kỳ bên nào. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong khẳng định, việc “chia cắt” hai nền kinh tế không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích của các doanh nghiệp và người dân Mỹ mà còn đe dọa đến an ninh chuỗi công nghiệp toàn cầu, gây nguy hiểm đối với thương mại quốc tế cũng như nền kinh tế thế giới. Ông Cao Phong cho rằng bản chất của các mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc là cùng có lợi, hai bên không phải là đối thủ trong “một cuộc chơi có tổng bằng 0”, mà là các đối tác cùng lợi ích và “có đi có lại”.
Liên quan cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là hai nước tạo các điều kiện cần thiết để tiếp tục đàm phán. Ông Cao Phong tuyên bố Trung Quốc phản đối leo thang cuộc chiến thương mại, sẵn sàng giải quyết các vấn đề một cách bình tĩnh thông qua tham vấn và hợp tác.
Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ “sớm được nối lại” và đây sẽ là một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại của hai siêu cường kinh tế. Theo Tổng thống Donald Trump, biện pháp gây áp lực của ông đã thành công khi đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán sau khi các cuộc đối thoại dường như đã “chệch đường ray”./.
Theo qdnd.vn