Hành động vì môi trường

08:09, 30/09/2019

Những con số báo động về môi trường và khí hậu được đưa ra tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, vừa diễn ra tại Niu Oóc (Mỹ), một lần nữa hối thúc các quốc gia biến các cam kết thành hành động cụ thể vì “hành tinh xanh”.

Quốc đảo Tu-va-lu đối mặt nguy cơ bị nước biển nhấn chìm.  Ảnh: THECOCONET.TV
Quốc đảo Tu-va-lu đối mặt nguy cơ bị nước biển nhấn chìm.
Ảnh:
THECOCONET.TV

Một trong những nội dung chính được các nước thống nhất trong Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu là cam kết giảm lượng khí thải, để hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 20C, hoặc lý tưởng nhất là 1,50C, so mức thời kỳ tiền công nghiệp. Song, báo cáo mới đây của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, kể cả khi thế giới đạt các mục tiêu về khí hậu, nhiệt độ trái đất vẫn tăng từ 2,90C đến 3,40C. Chuyên gia WMO Ô.Bát-đo nhận định, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 5 năm tới dự báo tăng ít nhất từ 1,20C đến 1,30C, gần chạm ngưỡng giới hạn đề ra trong thỏa thuận về khí hậu toàn cầu.

Cũng theo WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019 có xu hướng cao kỷ lục, so bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây, với mức nhiệt độ cao hơn 1,10C so nền nhiệt giai đoạn từ năm 1850 đến năm 1900, cao hơn 0,20C so mức của giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Đồng nghĩa, bốn năm qua là thời kỳ nóng nhất trên thế giới kể từ năm 1850 khi các chuyên gia bắt đầu ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ. Đáng chú ý, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2), thay vì giảm, lại tăng 2% năm 2018, lên mức kỷ lục 37 tỷ tấn.

“Hoặc cắt giảm CO2, hoặc chứng kiến các thành phố bị nhấn chìm trong nước biển, sông ngòi khô cạn và hệ sinh thái đại dương bị hủy hoại”, đó là cảnh báo mang tính thức tỉnh mạnh mẽ đối với cộng đồng thế giới, được Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc đưa ra. Theo đó, băng tan, nước biển dâng, “vùng chết” trên đại dương và tảo độc hại làm suy giảm số lượng cá, phá hủy các nguồn nước ngọt, hình thành những trận siêu bão tàn phá các thành phố lớn mỗi năm. Theo IPCC, kể từ năm 2005, tốc độ nước biển dâng nhanh hơn 2,5 lần so mức trong thế kỷ XX. IPCC cũng cảnh báo, đến năm 2050, nhiều thành phố lớn ven biển và các đảo quốc nhỏ sẽ lại chứng kiến những thảm họa thiên tai từng chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ. Không chỉ vậy, tới giữa thế kỷ XXI, hơn một tỷ người sẽ phải sống ở những vùng trũng thấp dễ bị lốc xoáy, lũ lụt trên diện rộng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác do tác động của tình trạng nước biển dâng.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những hệ quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Chính vì vậy, tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về các mục tiêu phát triển bền vững vừa qua, các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi hưởng ứng “một thập kỷ hành động đầy tham vọng” để hoàn tất các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Trong tuyên bố, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cùng khẳng định quyết tâm từ nay đến năm 2030 sẽ hành động nhằm bảo vệ lâu dài các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chấm dứt nghèo đói, chống lại sự bất bình đẳng trong từng quốc gia và giữa các quốc gia, xây dựng xã hội hòa bình, công bằng và phát triển toàn diện…

Kết quả phân tích mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, nếu cả thế giới chung tay hành động ngay từ lúc này, thì vẫn có cơ hội giảm lượng khí thải các-bon trong 12 năm tới và có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng dưới 20C. Nhưng ngay lúc này cần thực thi những giải pháp hiệu quả hơn về ngăn chặn và ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo tồn hiệu quả tính đa dạng sinh học./.

Theo Báo Nhân Dân



Cơ sở thu mua sắt phế liệu Hòa Bình

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com