Xu hướng không thể đảo ngược

08:08, 23/08/2019

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyến thăm một ngày tới Pháp theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron. Diễn ra trong bối cảnh bất đồng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine hay các vụ đầu độc điệp viên, việc ông E.Macron trải thảm đỏ ở biệt thự mùa hè tại Bormes-les-Mimosa để đón người đồng cấp V.Putin cho thấy quan hệ hai nước đang nồng ấm trở lại, có ảnh hưởng tích cực tới cục diện chính trị, an ninh và hợp tác kinh tế tại châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin trước thềm Hội nghị G7.  Ảnh: Getty
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin trước thềm Hội nghị G7. Ảnh: Getty

Trong khi quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung vẫn trong tình trạng “đóng băng” sau các sự kiện ở miền Đông Ukraine năm 2014 thì ngược lại quan hệ Nga - Pháp đang được cải thiện một cách tích cực. Chỉ tính riêng năm 2018, Tổng thống V.Putin đã 5 lần trực tiếp gặp người đồng cấp Pháp E.Macron, đồng thời thường xuyên điện đàm trao đổi các giải pháp thúc đẩy quan hệ song phương và nhiều vấn đề thời sự quốc tế “nóng”. Gần hai tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng thăm Pháp, hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Édouard Philippe.

Hoàn toàn có thể hiểu được vì sao Pháp và Nga lại đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc, đặc biệt là ở cấp cao như vậy. Trong bối cảnh Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 10 tới, Đức có thể có nhà lãnh đạo mới khi Thủ tướng Angela Merkel nghỉ hưu, nước Pháp sẽ buộc phải lên tuyến đầu vì quyền lợi châu Âu. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu và là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào cuối tháng 8 này, Tổng thống E.Macron có lý do chính đáng để tìm xung lực mới, tái lập đối thoại chiến lược với Moscow, từ đó tìm ra giải pháp cho EU trong các vấn đề Iran, Syria, Ukraine cũng như đối phó với các mối đe dọa và thách thức an ninh, trong đó có chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Đối với Moscow, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống V.Putin và Tổng thống E.Macron là cơ hội tốt để bảo vệ quyền lợi nước Nga bên ngoài G7 cũng như tái khẳng định Nga là một đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới.

Do vậy, chuyến thăm Pháp lần này của Tổng thống V.Putin có ý nghĩa quan trọng không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, mà còn tạo ra xung lực mới giúp tái khởi động quan hệ Nga - EU. 4 giờ hội đàm là khoảng thời gian đủ để hai nhà lãnh đạo thảo luận “tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới” như lời Tổng thống E.Macron nói tại cuộc họp báo sau đó. Nga và Pháp nhất trí thúc đẩy các bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Minsk, qua đó tác động tích cực đến việc giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Bên cạnh đó, hai bên cũng có lập trường chung về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), từ đó có thể góp phần tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới căng thẳng giữa Tehran và Washington hiện nay. Dù còn tồn tại bất đồng trong một số vấn đề, song hai bên nhất trí cho rằng hợp tác là cần thiết.

Việc Moscow và Paris “bắt tay” nhau làm dấy lên hy vọng vấn đề an ninh toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng sẽ không bị đe dọa sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và nguy cơ Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START 3) sẽ không được gia hạn. Trong bối cảnh Washington đang dần xa lánh các đồng minh châu Âu với chính sách ưu tiên quyền lợi “nước Mỹ trên hết”, việc Pháp và một số quốc gia EU xích lại gần Nga được cho là đang tạo nên thế đối trọng giữa EU và Mỹ. Bên cạnh đó, Pháp - với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo của EU - hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho đối thoại giữa EU với Moscow, nhất là khi phía Nga nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng nối lại đối thoại chính trị với khối này.

Dù chuyến thăm Pháp lần này của Tổng thống V.Putin chưa thể giúp quan hệ Pháp - Nga nói riêng, quan hệ Nga - EU nói chung quay trở lại quỹ đạo hợp tác, song nó cũng có ý nghĩa quan trọng khi giúp hai nước thu hẹp khoảng cách để mở ra không gian đối thoại mới nhằm tái khởi động quan hệ Nga - EU. Tuy còn đôi chút chậm chạp nhưng dường như EU đang đúng hướng khi trở lại hợp tác với Nga - vốn là một xu hướng không thể đảo ngược, vì mang lại lợi ích cho Nga và châu Âu cũng như cho hòa bình và phát triển của thế giới./.

Theo qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com