Cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại nhiều nước ASEAN

07:08, 13/08/2019

Cơ quan Khí hậu, Khí tượng và Địa vật lý (BMKG) của Indonesia cho biết hiện nay, hầu hết các khu vực của Indonesia và một số quốc gia khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trải qua thời kỳ có gió mùa Australia, với đặc trưng khô, thổi từ phía Đông Nam.

Thời tiết cũng bị ảnh hưởng bởi sự bất thường của nhiệt độ mặt nước biển ở vùng biển Indonesia, đặc biệt là ở phía Nam của đường xích đạo và hiện tượng El Nino đã tấn công khu vực kể từ cuối năm 2018. Điều này đã dẫn đến mùa khô năm 2019 gay gắt hơn so với năm 2018.

Theo TTXVN, Phó Phòng Khí tượng học của BMKG Mulyono cho biết, tình trạng khô hạn kéo theo việc xuất hiện các điểm nóng mang đến những nguy cơ cao xảy ra cháy rừng và cháy đất. Hậu quả là gây ra khói mù và làm giảm chất lượng không khí. Tình trạng này đòi hỏi tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần khẩn trương hơn trong việc thực hiện Thỏa thuận tài chính, được ký kết năm 2016, về "Sử dụng bền vững than bùn và giảm thiểu khói mù" (SUPA). Thỏa thuận là một trong những nỗ lực của ASEAN nhằm đối phó với thách thức về biến đổi khí hậu.

SUPA được sự chấp thuận của Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân (BMU) của Liên bang Đức và sẽ được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai. Chương trình này khuyến khích quản lý rủi ro cháy rừng và giảm khói mù xuyên biên giới.

Theo hệ thống chữa cháy cảnh báo sớm và hệ thống đánh giá nguy hiểm (FDRS), gió mùa Australia có thể khiến nhiều khu vực của Đông Nam Á dễ bị hỏa hoạn trong tuần tới. Nguy cơ cháy đất được phát hiện ở Indonesia, Brunei, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và một số khu vực nhỏ của Myanmar, Việt Nam và Lào.

Trên 1.300 người được tiêm phòng khẩn cấp ngăn ngừa virus Ebola

Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) ngày 11-8 cho biết đã tiêm chủng vaccine khẩn cấp cho trên 1.300 người có nguy cơ tiếp xúc với virus Ebola tại Thành phố Goma của Cộng hòa dân chủ Congo, góp phần giảm bớt lo ngại về nguy cơ lây lan của căn bệnh này.

Dịch Ebola kéo dài 1 năm qua tại miền Đông của Cộng hòa dân chủ Congo đã khiến ít nhất 1.800 người tử vong và trở thành đợt dịch tồi tệ thứ 2 trong lịch sử. Các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan gặp nhiều khó khăn do làn sóng bạo lực của các nhóm du kích, cũng như sự thờ ơ của người dân.

Thành phố Goma có 2 triệu dân là một trung tâm trung chuyển giao thông đông đúc, cách thị trấn biên giới Gisenyi của Rwanda chỉ 7km. Thành phố này đã được đặt trong tình trạng báo động trong vòng một tuần qua sau khi một thợ mỏ tử vong vì căn bệnh Ebola. Người đàn ông này sống trong gia đình có rất nhiều thành viên và họ đã tiếp xúc với nhiều người trong thời gian gần đây.

WHO cho biết hầu hết những người bị nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân và tiếp xúc người nhà của bệnh nhân nói trên, cùng các nhân viên y tế đã được tiêm phòng. Kể từ ngày 2-8, WHO không phát hiện thêm trường hợp nào mắc bệnh Ebola tại Goma./.

Theo chinhphu.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com