Ngày 21-8, người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết, năm nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ tiếp nhận người di cư bị mắc kẹt trên tàu cứu hộ Open Arms những ngày gần đây và được đưa lên đảo Lampedusa của Italy đêm qua.
Tàu cứu hộ Open Arms chở người di cư cập cảng Lampedusa. (Ảnh: Reuters) |
Theo người phát ngôn Ủy ban châu Âu Tover Ernst, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Luxembourg và Bồ Đào Nha sẽ cử các nhóm làm việc tới ghi tên và phỏng vấn người di cư, tiến hành các hoạt động kiểm tra cần thiết và bố trí phương tiện di chuyển. Điều đó có nghĩa là việc phân bổ người di cư tới các quốc gia EU khác sẽ diễn ra trong nhiều hơn “một vài ngày”.
“Ủy ban châu Âu sẽ làm hết sức để hỗ trợ và giúp bảo đảm rằng các thủ tục được xử lý nhanh chóng nhất có thể”, bà Ernst khẳng định.
Tàu cứu hộ Open Arms do tổ chức nhân đạo cùng tên của Tây Ban Nha vận hành đã giải cứu nhiều người di cư tại khu vực ngoài khơi bờ biển Libya. Tuy nhiên, sau khi không được Italy cho phép cập cảng, tàu Open Arms đã mắc kẹt trên biển trong gần ba tuần. Italy cho rằng, nước này đã và đang gánh vác quá nhiều trách nhiệm trong việc giải quyết dòng người di cư từ châu Phi tới châu Âu.
Tổ chức Open Arms cho biết, những người di cư trên tàu này đã phải sống trong cảnh khốn cùng và cần gấp rút tìm chỗ ở. Chín người di cư trên tàu đã nhảy xuống biển và tìm cách bơi vào bờ trong ngày 20-8.
Tuy nhiên, đêm qua, gần 100 người di cư, chủ yếu đến từ châu Phi, đã được lên đảo Lampedusa, sau khi một công tố viên Italy ra lệnh tịch thu tàu Open Arms và sơ tán những người có mặt trên con tàu này.
Giám đốc, người sáng lập Open Arms, ông Oscar Camps xác nhận, tàu này sẽ tạm thời bị tịch thu và đây là “cái giá mà Open Arms chấp nhận để bảo đảm rằng những người trên tàu đều có thể được giúp đỡ”. “Chúng tôi cho rằng điều cần thiết là phải ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của người di cư trong trường hợp khẩn cấp nhân đạo này”, ông Camps nói.
Theo nhandan.com.vn