Theo giới quan sát, vòng trừng phạt mới của Mỹ sẽ có ít tác động đối với Nga bởi Washington đang tập trung vào thương chiến với Trung Quốc.
Trong bối cảnh vòng trừng phạt thứ 2 của Mỹ đối với Nga liên quan đến vụ đầu độc điệp viên hai mang người Nga Skripal năm 2018 có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng những biện pháp trừng phạt này sẽ có ít tác động đối với Nga bởi Washington đang tập trung sự chú ý vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan, tháng 7-2019. Ảnh: Getty |
Mỹ muốn cứu vãn nền kinh tế
Vòng trừng phạt mới của Mỹ với Nga có hiệu lực vào ngày 26-8, theo đó, cấm các tổ chức tài chính quốc tế mở rộng mọi khoản vay, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho Nga, cấm các ngân hàng Mỹ cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài của Nga, hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm và công nghệ sang Nga. Một số ý kiến cho rằng, những biện pháp trừng phạt này không mạnh như các biện pháp trừng phạt trước đó. Các chuyên gia cũng đưa ra những quan điểm khác nhau về lý do khiến Washington đột ngột có thái độ mềm mỏng với Moscow.
Ông Vladimir Batyuk, một thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mỹ và Canada, có trụ sở tại Moscow cho biết, sở dĩ có sự thay đổi trên là bởi Washington đang nỗ lực cứu vãn nền kinh tế của nước này.
Phát biểu với hãng tin RT, ông Vladimir Batyuk nói rằng, Mỹ bị chi phối bởi lợi ích của các doanh nghiệp nước này và nhiều doanh nghiệp trong số đó không mặn mà với cuộc chiến trừng phạt Nga. Theo ông, biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với nhà sản xuất nhôm Rusal của Nga đã gây tổn hại cho các nhà sản xuất ô tô của Mỹ vì nó khiến cho giá nhôm tăng đột biến. “Ngoài ra, các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga cũng sẽ là đòn giáng mạnh với các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Mỹ như Shell. Một mặt, Mỹ đang cố gắng thể hiện quyết tâm và sức mạnh của nước này, mặt khác, họ không muốn “tự bắn vào chân mình”, ông Batyuk chỉ rõ.
Chuyên gia Vladimir Batyuk khẳng định, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ dường như được thiết kế để giảm thiểu khả năng gây thiệt hại đối với nền kinh tế Nga: vẫn chưa có lệnh cấm xuất khẩu, trong khi đó việc mua trái phiếu chính phủ của Nga tại Mỹ trên thị trường sơ cấp bị cấm nhưng vẫn được cho phép trên thị trường thứ cấp.
Theo luật lệ của Mỹ, Washington có thể tiến xa hơn như hạ thấp mức độ quan hệ ngoại giao với Moscow, cấm các chuyến bay của các hãng hàng không quốc doanh Nga, cấm nhập khẩu hàng hóa từ Nga, trong đó có sản phẩm dầu mỏ. Tuy nhiên ông Batyuk cho rằng những hành động như vậy có thể không được thực thi, đơn giản vì Mỹ không muốn mất vị trí của nước này trên thị trường Nga.
“Nga không phải Triều Tiên nên Mỹ không thể áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay một cách tùy ý. Hơn nữa, những biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể dẫn đến khả năng Trung Quốc sẽ thế chân các công ty Mỹ rời khỏi thị trường Nga bằng các công ty của nước này. Điều đó sẽ không mang lại lợi ích cho Mỹ”, ông Batyuk nhận định.
Trung Quốc vẫn là mục tiêu số 1
Một số chuyên gia khác cho rằng cuộc chiến thương mại ngày càng khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là lý do thực sự khiến Mỹ không mấy quan tâm đến việc trừng phạt Nga. “Sự chú ý của Mỹ hoàn toàn tập trung vào tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Xét về sự xuống cấp nhanh chóng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, người ta dự đoán sẽ không có sự thoái lui mạnh mẽ nào trong quan hệ giữa Washington với Moscow”, ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu Viễn Đông tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với RT.
Theo ông Kashin, Mỹ nhiều khả năng sẽ không thực hiện bất cứ hành động nào gây ra sự hỗn loạn mới đối với các thị trường tài chính vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang gây áp lực đối với họ. “Nếu Mỹ coi trọng các biện pháp trừng phạt đối với Nga vào thời điểm hiện nay, cùng với Trung Quốc, thì họ sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên sau tất cả, hành động của Washington cho thấy họ có khả năng đối đầu cùng lúc với cả Nga và Trung Quốc và có thể chiến thắng”.
Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 5% đối với 550 tỷ USD hàng Trung Quốc vào tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 26-8 cho biết, Bắc Kinh vẫn mong muốn giải quyết những bất đồng về thương mại với Mỹ thông qua các cuộc đàm phán. Theo ông Lưu Hạc, Trung Quốc kiên quyết phản đối sự leo thang của cuộc chiến thương mại.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, Tổng thống Donald Trump cho biết, các quan chức Trung Quốc đã liên lạc với Mỹ để kêu gọi quay trở lại đàm phán về một thỏa thuận thương mại. Ông Trump hoan nghênh động thái này và tuyên bố Mỹ sẽ sớm bắt đầu đàm phán với Trung Quốc./.
Hồng Anh (VOV)