Biến đổi khí hậu sẽ kéo lùi tăng trưởng của các nền kinh tế bất kể giàu, nghèo

07:08, 22/08/2019

Trong một báo cáo công bố ngày 20-8, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại tới các nền kinh tế của các quốc gia bất kể quốc gia đó giàu hay nghèo, ở xứ nóng hay xứ lạnh. Song, lưu ý rằng những quốc gia nóng hơn, nghèo đói hơn sẽ là những quốc gia chịu tổn hại nhất trong một hành tinh đang ngày càng ấm lên.

(Ảnh: BBC)
(Ảnh: BBC)

Báo cáo do các chuyên gia của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ, một tổ chức nghiên cứu kinh tế phi lợi nhuận, đã phân tích dữ liệu từ 174 quốc gia trong vòng hơn 50 năm và nhận thấy rằng, sự thay đổi nhiệt độ liên tục trên hoặc dưới nhiệt độ chuẩn lịch sử của một quốc gia ảnh hưởng bất lợi tới sự tăng trưởng kinh tế, bất kể quốc gia ấy đang ấm lên như thế nào.

Việc nghiên cứu thường tập trung vào sự tàn phá ngắn hạn ở những nước nghèo và có nhiệt độ cao, nhưng bản báo cáo này cho thấy những quốc gia có nhiệt độ lạnh hơn và giàu có không tránh khỏi những tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra nếu không thông qua sự thay đổi chính sách quan trọng.

Trong một kịch bản tình trạng phát thải khí nhà kính không giảm đáng kể, nhiệt độ toàn cầu trung bình sẽ tăng lên 4 độC vào năm 2100. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả là GDP bình quân đầu người trên toàn thế giới sẽ mất 7%. Riêng với Mỹ, một nước đã rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 trở thành đối tượng tập trung nghiên cứu của bản báo cáo mới nhất này, các chuyên gia dự báo nước này sẽ mất hơn 10% GDP đầu người.

Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 đặt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2 độ C, cố gắng ở mức 1,5 độC. Tuy nhiên mục tiêu này đòi hỏi phải đạt được mức giảm mạnh mẽ phát thải khí nhà kính.

Canada, nước đang chứng kiến tốc độ nóng lên nhanh gấp hai lần những phần còn lại của trái đất, dự báo sẽ bị mất 13% tổng thu nhập quốc nội. Còn Thụy Sĩ có thể mất 12%, và Ấn Độ có thể mất 10% GDP đầu người.

Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, dù một số nước có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thì họ cũng khó hành động kịp thời để giảm tất cả tác động tiêu cực của hiện tượng này đối với nền kinh tế.

Bởi vậy, báo cáo kêu gọi các quốc gia cam kết mạnh mẽ với với Thỏa thuận Paris và giờ vẫn chưa phải là quá muộn.

Bản báo cáo có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu đến từ các đại học Cambridge, Nam California, Johns Hopkins, đại học Tsing hua Đài Loan (Trung Quốc) và Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com