Cuộc họp bất thường của nguyên thủ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu trong tối ngày 30-6 tại Brussels tiếp tục thất bại trong việc tìm ra ứng cử viên giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu trong 5 năm tới. Sau một loạt các cuộc gặp vận động không chính thức lẫn họp chính thức trong chiều tối ngày 30-6, các nguyên thủ 28 quốc gia thành viên EU đã kết thúc cuộc họp Thượng đỉnh bất thường vào quá nửa đêm 30-6 theo giờ Brussels mà vẫn chưa thể tìm ra người sẽ thay thế ông Jean-Claude Juncker giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker (Ảnh: politico) |
Trước khi cuộc gặp diễn ra, ứng cử viên người Hà Lan của nhóm đảng Dân chủ xã hội (SD) là Frans Timmermans được xem là người có nhiều cơ hội nhất để thay ông Juncker. Tên của ông Timmermans nổi lên từ sau Hội nghị G20 tại Osaka cuối tuần qua ở Nhật Bản, khi các lãnh đạo Đức, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha có cuộc gặp để gạt bỏ mâu thuẫn và được cho là đã lựa chọn giải pháp trung dung là ông Frans Timmermans. Trong sáng 30-6, đích thân Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk cũng đã đưa ra đề xuất rằng EU nên lựa chọn một ứng cử viên đến từ nhóm đảng Dân chủ - xã hội, mà ông Timmermans là lãnh đạo hàng đầu. Tuy nhiên, đề cử của ông Frans Timmermans đã hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ từ nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm giữ nhiều ghế nhất tại Nghị viện châu Âu. Trong chiều tối ngày 30-6, một cuộc họp các lãnh đạo của nhóm đảng EPP đã đưa ra thông báo cho biết EPP bác bỏ đề xuất đưa ông Frans Timmermans lên làm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.
Trước việc EU vẫn chưa thể tìm ra người giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, nhiều khả năng nguyên thủ các nước EU sẽ phải họp thêm một hội nghị Thượng đỉnh bất thường khác vào ngày 15-7 để tìm giải pháp. Trước đó, cũng do bất đồng nên việc lựa chọn Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phải hoãn tới các cuộc họp sau.
Liên hợp quốc hoan nghênh việc nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Mỹ và Triều Tiên tái khởi động các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề hạt nhân.
Tuyên bố của người phát ngôn Liên hợp quốc cũng khẳng định: "Tổng thư ký hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực liên tục của các bên nhằm thiết lập những mối quan hệ mới hướng tới hòa bình bền vững, an ninh và phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên".
Tuyên bố được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ tại Tòa nhà Tự do bên phần lãnh thổ Hàn Quốc ở Khu phi quân sự (DMZ) và nhất trí nối lại các cuộc đàm phán sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ vào đầu năm nay. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên dự kiến sẽ được tái khởi động "gần như trong 2 hoặc 3 tuần tới, chắc chắn là khoảng giữa tháng 7 theo phán đoán của tôi, tại một địa điểm vẫn chưa được quyết định".
Ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên. Tổng thống Trump nhấn mạnh "bước qua ranh giới đó là một vinh dự lớn", đồng thời cho biết thêm rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có một "tình bạn tuyệt vời".
Đây được xem là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với Mỹ và Triều Tiên, đồng thời là hình ảnh biểu tượng cho sự hàn gắn quan hệ song phương. Chỉ có hai cựu Tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm tới Triều Tiên, đó là ông Jimmy Carter vào tháng 6-1994 và ông Bill Clinton vào tháng 8-2009. Tháng 8-2010, ông Carter đã trở lại Triều Tiên lần thứ hai. Cả hai chính khách này đều đã đến Triều Tiên sau khi họ rời nhiệm sở./.
PV