Chính phủ Thái Lan hiện theo đuổi kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc nối nước này với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Các tuyến đường sắt nói trên sẽ làm cho giao thông trở nên thuận lợi hơn, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan tiến lên trong dài hạn.
Theo Bangkok Post, quận Bang Sue của Thủ đô Bangkok sẽ trở thành một phần của hệ thống đường sắt xuyên ASEAN - kế hoạch đầy tham vọng của Chính phủ Thái Lan nhằm xây dựng một mạng lưới đường sắt nối Thái Lan với các quốc gia trong khu vực cũng như Trung Quốc. Người dân Bangkok khó tưởng tượng rằng có thể khởi hành ở quận Bang Sue để thực hiện chuyến đi đến Bắc Kinh (Trung Quốc). "Người Thái sẽ có thể đi tàu cao tốc đến thủ đô của Trung Quốc và Singapore từ một nhà ga ở quận Bang Sue trong tương lai", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Thái Lan Pailin Chuchottaworn nói. Điều này hoàn toàn khả thi nếu việc xây dựng 4 tuyến tàu cao tốc Shinkansen được hoàn tất. Khi đó, nhà ga ở quận Bang Sue sẽ là trung tâm của "hệ thống đường sắt xuyên ASEAN". Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Thái Lan nhận định, các tuyến đường sắt nói trên sẽ làm cho giao thông trở nên thuận lợi hơn, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan tiến lên trong dài hạn. Phát biểu với báo chí Thái Lan, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nước này cho biết, Bangkok đã bắt đầu việc xây dựng một số tuyến đường sắt và sẽ tiếp tục gọi thầu cho dự án này.
Mạng lưới đường sắt cao tốc tương lai sẽ giúp Thái Lan tăng khả năng kết nối với các nước láng giềng. Ảnh: Bangkok Post |
Theo kế hoạch để Thái Lan thành trung tâm logistics của ASEAN, các quan chức nước này đã đồng thuận rằng tàu cao tốc sẽ là trung tâm của hệ thống cơ sở hạ tầng mới của đất nước. Đây là lần đầu tiên Thái Lan có một mạng lưới giao thông hiện đại với tổng chiều dài 3.193km và chi phí xây dựng khoảng 2,07 nghìn tỷ baht. Hệ thống đường sắt này sẽ nối quận Bang Sue của Bangkok với Thành phố Chiang Mai của Thái Lan ở phía bắc, Lào ở phía đông bắc, Campuchia ở phía đông và Malaysia ở phía nam.
Tuyến đường đầu tiên là dự án hợp tác giữa Thái Lan và Trung Quốc nối Thủ đô Bangkok và tỉnh Nong Khai của Thái Lan ở vùng đông bắc, hiện đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Tuyến đường dài 608km cạnh Nong Khai sẽ đóng vai trò là hệ thống giao thông chính đến Lào. Từ biên giới, một tuyến đường sắt khác sẽ đưa hành khách đến Thủ đô Viêng Chăn của Lào và chặng cuối cùng đưa du khách tới là thị trấn biên giới Mohan của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Dự án trên mang lại lợi ích kinh tế cho Thái Lan khi chính quyền Thái Lan đang lên kế hoạch liên kết tỉnh Nong Khai với Hành lang kinh tế phía đông (EEC), dự án được nhiều nước đưa ra để biến phương Đông thành một trung tâm công nghiệp hiện đại và thông minh. Theo ông Ratthaphum Parichatpricha - Kỹ sư trưởng thuộc Viện Kỹ thuật Thái Lan, ASEAN có thể chuyển từ người sử dụng thành người phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao nếu khối này tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải và liên quan.
Chính phủ Thái Lan cũng đang chuẩn bị cho thỏa thuận mới về các tiêu chuẩn trong ngành đường sắt với Malaysia, Việt Nam và Indonesia vì những nước này cũng đang dành ngân sách lớn để xây dựng những phương thức vận tải đường sắt mới từ các hệ thống tàu cao tốc tới tàu điện ngầm. Ông Ratthaphum cho biết, những nước nói trên hiện có thể chế tạo một số sản phẩm liên quan đến đường sắt nhưng việc thiếu tiêu chuẩn hóa khiến các nước không thể xuất khẩu các sản phẩm ra thế giới giống như Nhật Bản, Đức và Trung Quốc. Một thỏa thuận về tiêu chuẩn cũng sẽ giúp giảm chi phí xây dựng đường sắt và bảo trì.
Đối với hành khách, không có gì tốt hơn những chuyến đi nhanh và thuận tiện hơn từ Bangkok đến vùng nông thôn và các quốc gia xung quanh. Bang Sue sẽ là cửa ngõ cho sự thuận tiện này. Theo đại diện cơ quan đường sắt Thái Lan, nhà ga ở quận Bang Sue sẽ là nhà ga lớn nhất ở ASEAN. Theo kế hoạch, nhà ga ở quận Bang Sue sẽ là một "đại nhà ga" 4 tầng lớn nhất ASEAN được xây dựng trên một diện tích rộng 300 nghìn m2 với những khu vực thương mại ở xung quanh. Nhà ga này sẽ được kết nối với các tuyến đường sắt đô thị ở Bangkok và các tuyến đường sắt liên tỉnh của Thái Lan.
Bà Aksornsri Phanishsarn, Phó giáo sư Khoa Kinh tế của Đại học Thammasat Thái Lan cho biết, mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ nâng cao sự hiện diện của Thái Lan trong khu vực; tăng khả năng cạnh tranh và kết nối của Thái Lan với các nước láng giềng./.
Theo qdnd.vn