Gần sáu triệu người trên khắp khu vực Nam Á đang bị đe dọa từ nước lũ dâng cao sau những cơn mưa lớn do gió mùa gây ra. Chỉ riêng ở một bang của Ấn Độ, hơn một triệu người đã phải sơ tán do mưa lớn gây lũ lụt. Cảnh báo này vừa được Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đưa ra hôm 16-7.
Nước lũ dâng cao ở sông Balkhu, Nepal sau các trận mưa lớn do gió mùa (Ảnh: cbsnews) |
Theo IFRC, các tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ trên khắp Bangladesh, Ấn Độ và Nepal đang chạy đua để cung cấp đồ khẩn cấp cho cộng đồng và luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu do tình hình ở nhiều khu vực có thể sẽ xấu đi trong những ngày tới.
IFRC cho biết, số người bị ảnh hưởng bởi nước lũ chắc chắn sẽ còn gia tăng và ngày càng có nhiều lo ngại về tình trạng thiếu lương thực và dịch bệnh bùng phát.
Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IFRC, ông Xavier Castellanos nói: “Với mỗi ngày mưa, chúng ta lại thấy số lượng người di cư và số người thiệt mạng ngày càng tăng. Các cộng đồng đã bị chia cắt bởi nước dâng cao, làm gia tăng nguy cơ người dân bị đói và mắc các loại bệnh dịch”.
Ông Xavier cho hay, tất cả các nỗ lực ngay lúc này là tập trung để tiếp cận được với những người dân ở khu vực bị chia cắt do nước lũ và bảo đảm rằng họ nhận được đồ cứu trợ và các hỗ trợ cần thiết để chống chọi với những cơn lũ sắp đến.
Mỗi năm, mưa lớn do gió mùa và lụt lội khiến hàng triệu người phải sơ tán và thiệt mạng ở khắp Nam Á.
Riêng tại bang Assam, đông bắc Ấn Độ, hơn một triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi nước sông Brahmaputra (bắt nguồn từ Himalaya chảy vào Ấn Độ) dâng cao gây vỡ bờ làm hơn 749 ngôi làng ngập trong nước lũ.
Tại khu vực đông nam Nepal, những khu vực bị thiệt hại nặng nhất đang chìm trong nước lũ, các nhóm cứu trợ của tổ chức Chữ thập đỏ không thể tiếp cận được.
Trong khi đó tại Bangladesh, 1/3 đất nước này đang chìm trong nước, khiến hơn 14 nghìn người phải sơ tán và hơn 11 nghìn căn nhà bị phá hủy. Trong hơn một tuần qua, mưa lớn đã gây ra hơn 200 vụ lở đất tại Cox’s Bazar, thành phố miền đông nam của Bangladesh, buộc khoảng 900 nghìn người phải sống trong các lều tạm tránh trú.
Cho đến nay, hơn 1.000 tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Bangladesh, Nepal và Ấn Độ đã và đang phối hợp với các chính quyền địa phương để tìm kiếm, cứu hộ và cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi bị ảnh hưởng.
Theo nhandan.com.vn