Theo Roi-tơ, ngày 5-7, I-ran đã yêu cầu Anh ngay lập tức thả tàu chở dầu của nước này bị bắt giữ ở vùng lãnh thổ Gi-bran-ta thuộc Anh, cho rằng Luân Đôn đã hành động theo yêu cầu của Mỹ. Trước đó, cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển Gi-bran-ta với sự hỗ trợ của lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã bắt giữ tàu Grace 1 do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hiệp châu Âu (EU) khi chở dầu đến Xy-ri. Theo mạng dữ liệu vận chuyển Refinitiv Eikon, tàu Grace 1 có lộ trình từ I-ran, di chuyển qua mũi phía nam của châu Phi thay vì qua kênh đào Xu-ê của Ai Cập, để tới Xy-ri.
Gibraltar, lãnh thổ thuộc Anh, nơi con tàu chở dầu của Iran bị bắt giữ ngày 5/7 - Ảnh: Getty/CNBC. |
* Bộ trưởng Tài chính Pháp B.Lơ Me ngày 4-7 cho biết, ông hy vọng kênh thương mại đặc biệt với I-ran (INSTEX) sẽ hoàn tất giao dịch đầu tiên và có giới hạn trong những ngày tới. INSTEX được Pháp, Anh và Đức thiết lập, là một cơ chế trao đổi thương mại nhằm tránh việc giao dịch tài chính trực tiếp với I-ran bằng việc bù đắp cán cân giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Đây được xem là công cụ chủ chốt trong những nỗ lực của các nước EU nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân I-ran.
* Ngày 5-7, Tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran cho rằng, I-ran cần bắt giữ một tàu chở dầu của Anh nếu Luân Đôn không thả tàu chở dầu của I-ran bị bắt giữ ngoài khơi Gi-bran-ta. Quan chức I-ran nhấn mạnh, trong lịch sử 40 năm qua, I-ran chưa bao giờ khởi xướng các hành động thù địch, nhưng không bao giờ do dự trong việc đáp trả những kẻ bắt nạt mình.
* Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia tối cao I-ran K.Kho-xra-vi tuyên bố, “kháng cự tích cực” là cách ứng phó tốt nhất đối với cảnh báo của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm về các cam kết của Tê-hê-ran đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trước đó, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm cảnh báo I-ran “cẩn thận với những đe dọa”, sau khi Tê-hê-ran xác nhận I-ran đã vượt giới hạn 300 kg dự trữ u-ra-ni làm giàu theo quy định trong thỏa thuận hạt nhân.
* Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni cho biết, Tê-hê-ran sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân nếu các bên còn lại tiếp tục tuân thủ. Một quan chức I-ran cũng khẳng định, nước này có thể đàm phán với Mỹ nhưng chỉ khi Oa-sinh-tơn dỡ bỏ các trừng phạt áp đặt với họ.
Theo nhandan.com.vn