Nền kinh tế Ấn Độ thời gian qua đối mặt không ít thách thức đến từ những căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ... gia tăng trên thế giới. Trước tình hình đó, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi đề ra hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng đang chững lại của nền kinh tế, trong đó, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài là mục tiêu trọng tâm.
Giới chức Ấn Độ đến dự buổi họp công bố dự thảo ngân sách tài khóa 2019 - 2020 tại thủ đô Niu Đê-li. Ảnh: Reuters |
Tại buổi họp công bố dự thảo ngân sách tài khóa 2019 - 2020 của Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính nước này N.Xi-tha-ra-man cho biết sẽ cân nhắc mở cửa cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực hàng không, truyền thông, bảo hiểm thông qua tham vấn với các bên liên quan. Một cuộc họp với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư toàn cầu cũng dự kiến được tổ chức tại Ấn Độ. Cùng với đó, các ngân hàng công của nước này sẽ được bơm thêm 10,2 tỷ USD để giải quyết nợ xấu. Việc cân nhắc trao cho các nhà đầu tư nước ngoài vai trò lớn hơn trong những lĩnh vực quan trọng nêu trên là một phần nỗ lực của Niu Đê-li nhằm “thổi sức sống mới” cho nền kinh tế. Trước đó, quốc gia châu Á này từng tiến hành nhiều biện pháp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, như sửa đổi các quy định quản lý đầu tư nước ngoài đối với ngành bán lẻ, hàng không…; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nền kinh tế Ấn Độ đang vấp phải những “cơn gió ngược” từ bên ngoài, như ảnh hưởng từ các căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ... Theo thống kê, tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong quý I - 2019 đã giảm xuống mức 5,8%, mức thấp nhất trong vòng 20 quý trở lại đây. Các chỉ số về hoạt động kinh tế như chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh số bán ô-tô... đều giảm sút. Báo cáo dự thảo ngân sách tài khóa 2019 - 2020 của Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất các biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm vực dậy đà tăng trưởng kinh tế và đầu tư đang chững lại hiện nay. Theo đó, cùng với việc lên kế hoạch mở cửa đón luồng vốn đầu tư nước ngoài, để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, Chính phủ Ấn Độ quyết định nâng thuế nhập khẩu đối với hơn 70 mặt hàng, trong đó có vàng, phụ tùng ô-tô, thuốc lá, đồng thời nâng thuế thu nhập đối với giới siêu giàu tại nước này. Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi đặt mục tiêu tăng quy mô nền kinh tế lên mức 5.000 tỷ USD vào giai đoạn 2024 - 2025.
Thời gian qua, Thủ tướng N.Mô-đi đã tiến hành hàng loạt chuyến công du đến nhiều khu vực trên thế giới, từ Đông - Nam Á cho đến châu Âu. Trong các chuyến công du, ông N.Mô-đi đều khẳng định rằng, Chính phủ Ấn Độ luôn “trải thảm đỏ” chào đón các công ty nước ngoài với tinh thần hợp tác tích cực; đồng thời cam kết tăng cường điều chỉnh chính sách, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và thành lập một ủy ban để giải quyết kịp thời những vướng mắc liên quan vấn đề đầu tư, qua đó tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, lãnh đạo các nước nêu rõ, giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao lợi thế, môi trường đầu tư tại Ấn Độ và sẵn sàng tham gia các dự án lớn tại nước này. Với mục tiêu được xác định rõ ràng là đẩy mạnh chính sách ngoại giao, kinh tế hiệu quả với các đối tác trên thế giới, không thể phủ nhận, các chuyến công du của ông N.Mô-đi đã góp phần quan trọng mở ra những cơ hội đầu tư mới tại thị trường Ấn Độ, từng bước đem đến diện mạo mới cho nền kinh tế Nam Á này.
Với thị trường rộng lớn, lực lượng lao động dồi dào và được đào tạo tốt, tài nguyên thiên nhiên phong phú, người dân sử dụng thành thạo tiếng Anh…, Ấn Độ hội tụ nhiều yếu tố quan trọng để trở thành điểm đến triển vọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài mà Niu Đê-li đề ra trong thời gian tới đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ Thủ tướng N.Mô-đi nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, đưa quốc gia này vượt qua những sức ép từ bên ngoài.
Theo nhandan.com.vn