Vào lúc 12 giờ ngày 20-6 (giờ Moscow, tức 16 giờ giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu cuộc giao lưu trực tuyến lần thứ 17 với người dân Nga. Trong 4 giờ 8 phút “giao lưu trực tuyến” với người dân, Tổng thống Putin đã kịp trả lời 81 câu hỏi của người dân Nga về các vấn đề kinh tế - xã hội, chính sách đối nội, đối ngoại và nhiều vấn đề quốc tế và khu vực mà người dân quan tâm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc đối thoại. |
Cuộc đối thoại của ông Putin được bắt đầu với các vấn đề kinh tế và xã hội. Ông Putin cho biết, trong vòng vài năm qua nền kinh tế Nga đã phải đối mặt với một số "cú sốc từ bên ngoài", không chỉ từ các lệnh cấm vận, mà còn do tình hình thị trường toàn cầu bất lợi đối với các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Nga như dầu lửa, kim loại và các sản phẩm hóa dầu. Ông Putin khẳng định Nga cần thay đổi cấu trúc nền kinh tế, cải tiến công nghệ. Theo ông Putin, những Dự án quốc gia sắp được triển khai nhằm mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống của người dân và bảo đảm an ninh quốc gia. Những dự án này sẽ cho thấy hiệu quả của mình ngay từ cuối năm 2019 này. Ông Putin cũng khẳng định thu nhập người dân sẽ sớm tăng lên. Ông cho biết thu nhập thực tế của người dân Nga đã bị suy giảm trong vài năm qua, đỉnh điểm là vào năm 2016. Tuy nhiên, mức thu nhập này đang dần hồi phục.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng giải đáp nhiều câu hỏi của người dân liên quan tới các chính sách sát sườn như lương hưu; vấn đề nhà ở, nước sạch; chất lượng chăm sóc y tế chưa tương xứng nhu cầu, thiếu hụt chuyên gia cũng như thuốc men, thiết bị y tế; vấn đề sinh thái, thu gom, tái chế rác thải; cho đến các vấn đề vĩ mô như các dự án quốc gia, công nghệ mới, nền kinh tế số, đa phương hóa nền kinh tế, giảm xuất khẩu hàng hóa phi nguyên liệu… Liên quan một số vụ việc vừa diễn ra trong xã hội Nga, Tổng thống Putin cũng đã nhận được nhiều câu hỏi về sửa đổi luật chống ma túy, chống tham nhũng, kiểm soát xã hội và lành mạnh hóa giới tinh hoa. Trong suốt thời gian giao lưu trực tuyến, các vấn đề mà người dân đặt ra đều nhận được sự lắng nghe và quan tâm thoả đáng của nhà lãnh đạo đất nước.
Về nội dung đối ngoại, Tổng thống Nga cũng trả lời những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm như tình hình Ucraina, về quan hệ với Mỹ, khả năng tổ chức cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Nga và Tổng thống Mỹ Donald Trump, tình hình Trung Đông nói chung và Syria nói riêng, đặc biệt là vấn đề ổn định chiến lược. Quan hệ với các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ cũng được đề cập liên quan những thay đổi chính trị gần đây trong khu vực. Nét bao trùm mà Tổng thống Putin trả lời người dân về các vấn đề này, vẫn là đường lối đối ngoại mang tầm chiến lược của Nga, đó là ủng hộ hợp tác bình đẳng với tất cả các nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp công việc nội bộ quốc gia khác. Trả lời câu hỏi ông có sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ D. Trump, Tổng thống Putin khẳng định “Đối thoại luôn tốt” và cho biết sẵn sàng tiến hành đàm phán ngay khi người đồng cấp Mỹ sẵn sàng. Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, tình hình nội bộ ở Hoa Kỳ khiến người đứng đầu Nhà Trắng buộc phải xem xét các yêu cầu của chiến dịch bầu cử, sẽ diễn ra vào năm tới. Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục đối thoại về Hiệp ước hòa bình với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong lần gặp tới đây.
Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với châu Âu và Mỹ liên quan “cuộc chiến” trừng phạt, cấm vận, trả lời câu hỏi của người dân, Tổng thống Putin tuyên bố nước Nga đã đa phương hóa được nền kinh tế và giảm thiểu thiệt hại chính nhờ chính sách xoay trục sang hướng Đông. Ông cho biết kể từ năm 2014, các lệnh trừng phạt, cấm vận với phương Tây bắt đầu đã khiến nền kinh tế Nga thiệt hại 50 tỷ USD. Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế mà Liên hiệp châu Âu (EU) phải gánh chịu là 240 tỷ USD, Nhận Bản thiệt hại 27 tỷ USD và Mỹ thiệt hại 17 tỷ USD. Theo Tổng thống Putin, đối với Nhật Bản và Mỹ, đó là các con số không đáng kể.
Khi được hỏi liệu Moscow có được lợi hay không từ việc hòa giải với phương Tây, Tổng thống Nga V. Putin khẳng định Nga không có và không muốn có bất đồng với bất kỳ quốc gia nào. Tổng thống Nga khẳng định: "Chúng tôi không tranh cãi với bất kỳ ai. Và chúng tôi không mong muốn như vậy". Ông Putin tin rằng ngay cả khi Moscow từ bỏ lợi ích quốc gia của mình thì về cơ bản chính sách của phương Tây với Nga sẽ không thay đổi. Bởi vậy, Nga cần tăng cường nền kinh tế để bảo đảm vị thế của mình. Nga đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm nhẹ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt như cắt giảm nhập khẩu và thay thế bằng các mặt hàng nội địa, ngay cả ở những lĩnh vực mà nước này không có kinh nghiệm. Ông đồng thời kêu gọi các phương tiện truyền thông của Nga tuyên truyền và hỗ trợ, khuyếch trương cho các thương hiệu quốc nội. Bên cạnh đó, ông khẳng định nước Nga đã “lấp” được khoảng trống kinh tế trong quan hệ với các đối tác phương Tây bằng những triển vọng tươi sáng ở phương Đông, nổi bật là quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Tại cuộc đối thoại, ông Putin cũng khẳng định Nga vẫn duy trì được vị thế hàng đầu thế giới trong việc phát triển các loại vũ khí hiện đại, bất chấp việc cắt giảm chi phí quân sự. Ông nói: "Điều thú vị nhất là chúng ta (nước Nga) là cường quốc quân sự duy nhất cắt giảm chi phí quân sự".
Theo thống kê sơ bộ, trong cuộc đối thoại trực tiếp năm nay Tổng thống Putin đã nhận được tổng cộng hơn 2,6 triệu câu hỏi. Ông Putin đã trả lời trực tiếp những câu hỏi nổi bật và cấp bách nhất, trong khi người dân vẫn liên tục đặt câu hỏi trực tiếp qua truyền hình với nhà lãnh đạo của họ. Kể từ lần giao lưu trực tuyến đầu tiên năm 2001, số lượng câu hỏi được gửi đến người đứng đầu đất nước đã tăng mạnh, từ 400.000 lúc đó lên tới đỉnh điểm 3,25 triệu câu hỏi năm 2015.
Sau cuộc trả lời trực tuyến, Tổng thống Putin thường tập hợp và tổng kết thành danh mục các chỉ thị cần thực hiện, chỉ định người chịu trách nhiệm và thời hạn xúc tiến thực hiện chỉ thị. Năm nay, cũng như vài năm vừa qua, Tổng thống Putin còn yêu cầu các thành viên chính phủ, thống đốc, các bộ trưởng, tỉnh trưởng cùng tham dự gián tiếp. Lãnh đạo các khu vực được yêu cầu trực tại phòng làm việc, sẵn sàng có câu trả lời khi lãnh đạo đất nước chuyển câu hỏi của người dân.
Thời gian giao lưu trực tuyến thường không hạn chế, mà do tổng thống tự quyết định. Kể từ năm 2007 các cuộc giao lưu thường kéo dài khoảng 3 giờ, đặc biệt năm 2013, Tổng thống đã giao lưu với người dân trong thời gian kỷ lục 4 giờ 47 phút. Trước thềm cuộc “giao lưu trực tuyến” năm nay, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nổi tiếng của Nga- “Kênh 1”, Chánh Văn phòng Tổng thống Dmitry Preskov cho biết, mặc dù cuộc đối thoại chỉ diễn ra vào ngày 20-6, song từ trước đó, nhiều vấn đề cụ thể đã được chuyển đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý ngay khi câu hỏi được tiếp nhận. “Đây thực sự là một xu hướng rất tích cực”, - ông Peskov nhận định. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2001, các cuộc “giao lưu trực tuyến” với Tổng thống được tổ chức thường niên, ngoại trừ hai năm 2004 và 2012. Trong đó, có 12 lần ông Putin trả lời các câu hỏi trong vai trò Tổng thống và 4 lần trong vai trò Thủ tướng LB Nga.
Tại cuộc đối thoại năm 2017, trong vòng 4 giờ 20 phút, Tổng thống Putin đã trả lời tổng cộng 79 câu hỏi được lựa chọn và tổng hợp từ khoảng 2,6 triệu câu hỏi. Không chỉ giải đáp những khúc mắc, tiếp nhận phản ánh trực tiếp từ người dân, “Đường dây trực tiếp với Tổng thống” còn là cơ hội để ông Putin làm rõ với người dân Nga và thế giới về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chính sách đối ngoại của nước Nga trong thời gian tới.