Phát biểu tại Thủ đô Tokyo ngày 19-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định mong muốn hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách vô điều kiện và thẳng thắn.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 20-5 đưa tin, một bài xã luận đăng trên tờ Rodong Sinmun, tờ báo chính của Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã hối thúc người dân phải tự lực trước các lệnh trừng phạt “tàn bạo” trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ rơi vào bế tắc.
Đây được xem là sự thay đổi bất ngờ so với lập trường trước đây của Nhật Bản rằng, bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào đều cần đạt tiến triển trong vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Theo khảo sát của hãng tin Kyodo công bố ngày 20-5, khoảng 61% người dân Nhật Bản được hỏi ủng hộ việc Thủ tướng Abe thay đổi lập trường trên.
Các nền kinh tế APEC cam kết ủng hộ tự do thương mại
21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đối với tự do thương mại trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu nhiều biến động do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thông cáo chung sau Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Vina del Mar (Chile) cho hay, các nền kinh tế APEC khẳng định tầm quan trọng của các quy tắc minh bạch, không phân biệt đối xử đã được thỏa thuận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), qua đó giúp cải thiện những dự báo của thị trường, đem lại sự tự tin cho các doanh nghiệp và giúp cho thương mại hoạt động một cách thông suốt.
Văn kiện của APEC cũng cho rằng, các nền kinh tế thành viên cần phải thống nhất những biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như thúc đẩy sự tham gia một cách cởi mở và mang tính xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp để khối này có thể tiếp tục hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa phương.
Đại diện thương mại các nền kinh tế thành viên APEC cũng thống nhất ưu tiên những vấn đề liên quan tới xã hội điện tử và phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn nữa của phụ nữ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm…
WTO cảnh báo viễn cảnh u ám của thương mại toàn cầu
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục yếu kém khi bước vào quý II của năm nay, chỉ số về thương mại hàng hóa thế giới vẫn không có dấu hiệu cải thiện.
Theo báo cáo Chỉ số triển vọng thương mại thế giới (WTOI) công bố ngày 20-5, chỉ số về thương mại hàng hóa thế giới (gồm 7 thông số về thương mại) vẫn ở mức 96,3 thấp hơn mức cơ bản 100 và vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2010. Các chỉ số dưới ngưỡng 100 là dấu hiệu cho thấy xu hướng thương mại tăng trưởng thấp.
WTO cảnh báo triển vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục đà đi xuống nếu cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt và các nước thất bại trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đáp ứng với tình hình thế giới.
Trong dự báo tăng trưởng thương mại công bố hồi tháng 4, các chuyên gia kinh tế WTO dự đoán tăng trưởng thương mại trong năm 2019 có thể giảm xuống mức 2,6%, so với mức 3% của năm trước đó và tăng trở lại lên mức 3% vào năm 2020. Tuy nhiên, WTO cho rằng sự phục hồi của hoạt động thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết căng thẳng thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và việc các nước cải thiện chính sách kinh tế vĩ mô./.
Theo SGGP