Giới chức Iran cảnh báo khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

07:05, 15/05/2019

 

Ngày 13-5, kênh truyền hình Press TV của Iran dẫn lời người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết, quốc gia này có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) nếu vấn đề hạt nhân của Tehran bị đưa ra thảo luận lại tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr, Iran. (Nguồn: Reuters)
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr, Iran. (Nguồn: Reuters)

Theo ông Kamalvandi, Iran có thể thực thi một số biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nếu vấn đề hạt nhân của nước này bị đưa trở lại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Kamalvandi nhấn mạnh khi đó thỏa thuận này sẽ bị chấm dứt và không còn tồn tại nữa. Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran lưu ý rằng quyết định đình chỉ một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận hạt nhân của Iran nhằm tạo điều kiện để phía châu Âu có thời gian tuân thủ các nghĩa vụ cam kết của mình và đưa thỏa thuận quốc tế này trở lại lộ trình đúng hướng.

 

Ngày 8-5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại.

Liên hợp quốc: Nhu cầu viện trợ lương thực ở Gaza tăng gần 10 lần

Ngày 13-5, Giám đốc điều hành Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) tại Gaza, ông Matthias Schmale cho biết hơn một nửa dân số ở Gaza phụ thuộc viện trợ lương thực từ cộng đồng quốc tế, đồng nghĩa với số người tị nạn Palestine cần trợ cấp lương thực tăng gần 10 lần trong thời gian gần đây. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Israel phong tỏa Gaza, kéo theo những khó khăn đối với nền kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, các cuộc xung đột liên tiếp đã phá hủy cơ sở hạ tầng công cộng ở Gaza. Hiện có hơn 53% người dân Gaza thất nghiệp và hơn 1 triệu người phụ thuộc vào các nguồn viện trợ thực phẩm hàng từ UNRWA. Trong một báo cáo vào năm 2017, Liên hợp quốc dự đoán đến năm 2020, Gaza sẽ sụp đổ về mặt kinh tế - xã hội, kéo theo là tình trạng lạm dụng ma túy, gia tăng các vụ tự tử và mại dâm. Ngân sách của UNRWA có được thông qua tài trợ và nguồn đóng góp tự nguyện của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhu cầu viện trợ của người dân Palestine ngày càng tăng đã vượt xa khả năng của cơ quan này.

Trung Quốc tăng thuế với hàng hóa Mỹ từ tháng 6

Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1-6 tới.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ áp đặt mức thuế mới, lên đến 25%, với tổng cộng 5.140 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Phản ứng trên được cho là nhằm đáp trả quyết định của Mỹ ngày 10-5 vừa qua về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh với tổng trị giá 200 tỷ USD. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xúc tiến việc áp mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 13-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cảnh báo Trung Quốc không nên đáp trả quyết định của Washington về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh với tổng trị giá 200 tỷ USD. Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi thận trọng những diễn biến mới nhất về thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com