Ngày 9/5, giới chức Pháp cảnh báo vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris hồi tháng trước đã "giải phóng" ra các phân tử chì hiện đang nằm lắng đọng ở mức nguy hiểm tại những khu vực xung quanh di tích lịch sử 850 tuổi này.
Hiện trường vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các phân tích đã phát hiện lượng bụi chì "đáng kể" trên một số con phố và vỉa hè ở bên ngoài Nhà thờ Đức bà Paris, những khu vực này vẫn nằm trong diện "vùng cấm" xâm nhập. Thông báo của cảnh sát và cơ quan y tế khu vực ARS cho biết đã phát hiện từ 10-20 g chì/ kg mẫu đất trong khi mức thông thường cho phép chỉ là 0,3 g/kg mẫu đất.
Vụ cháy kinh hoàng ngày 15/4 đã phá hủy phần mái nhà và tháp chuông của Nhà thờ Đức bà, làm tan chảy các tấm chì lớn vốn bao phủ kết cấu khung bằng gỗ tinh xảo. Tuy nhiên, giới chức Pháp khi đó cho rằng kết quả xét nghiệm không cho thấy bất kỳ nguy cơ ô nhiễm chì trong không khí, khi các phân tích đối với không khí cho thấy lượng chì đều ít hơn so với mức giới hạn hợp pháp là 0,25 microgram/m3 không khí.
Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ về môi trường Robin Hood ước tính phần mái nhà và tháp chuông chứa hơn 300 tấn chì đã bị tan chảy trong vụ hỏa hoạn, đồng thời kêu gọi giới chức "làm sạch" khu vực này trước khi tiến hành công việc phục dựng lại nhà thờ.
Giới chức Pháp cho biết chì không phải là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với người dân vì kim loại này chỉ có hại khi bị nuốt vào bụng nhiều lần. Kể từ sau vụ hỏa hoạn, không có báo cáo nào ghi nhận về trường hợp nhiễm độc chì.
Ô nhiễm chì có thể gây ra khuyết tật thần kinh ở người, nhất là đối với trẻ em, cũng như đối với hệ thần kinh và ảnh hưởng tới thận.
Nhà thờ Đức Bà dự kiến vẫn đóng cửa trong nhiều năm khi các công nhân đang dọn dẹp đống đổ nát trước khi tiến hành kế hoạch đầy tham vọng về phục chế lại phần mái của nhà thờ trong vòng 5 năm.
Theo baotintuc.vn