Bắt đầu từ ngày 23-5 đến đến hết ngày 26-5, hơn 426 triệu cử tri của 28 nước Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ đi bỏ phiếu bầu ra 751 ghế đại diện cho nước mình tại Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2019-2024.
Hà Lan và Anh (nước vẫn tham gia bầu cử do Brexit bị trì hoãn) sẽ khởi động bầu cử vào ngày 23-5. Ireland và Cộng hòa Séc tổ chức một ngày sau đó và sẽ kéo dài đến ngày 24-5 cùng với Slovakia và Latvia.
Cử tri tại 21 quốc gia EU còn lại, trong đó có Pháp, sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 26-5 để lựa chọn 74 ứng cử viên trong 34 danh sách ứng cử. Các địa điểm bỏ phiếu tại Pháp sẽ mở cửa từ 8 giờ và đóng cửa lúc 18 giờ ở hầu hết các địa phương, còn tại các thành phố lớn sẽ đóng cửa vào lúc 20 giờ. Cử tri đi bầu cử phải mang theo thẻ cử tri, chứng minh thư hoặc passport.
Tại EU, mỗi quốc gia thành viên có quyền xác định hệ thống bầu cử của riêng mình nhưng phải bảo đảm sự bình đẳng về giới tính cũng như bí mật về lá phiếu của cử tri. Bầu cử EP được tổ chức theo hệ thống đại diện theo tỷ lệ, số đại biểu được phân bổ căn cứ số lượng cư dân của mỗi quốc gia thành viên EU, nước nào có dân số đông thì được phân bổ nhiều ghế hơn tại EP.
Tại Pháp, theo một kết quả thăm dò trên trang bầu cử EU, hiện Đảng Tập hợp quốc gia (NR) đang dẫn đầu với 22 ghế (23,5%), Đảng Nền cộng hòa tiến bước (LREM) 21 ghế (22,74%), Đảng Những người Cộng hòa (LR) 12 ghế (13,15%)...
Nghị viện châu Âu sẽ có 751 đại biểu nhiệm kỳ 2019-2024. |
Đảng LREM của Tổng thống Emmanuel Macron trước đó khi nộp danh sách đã đưa ra chín đề xuất chính, bao gồm tăng đầu tư vào chính sách môi trường, áp thuế đối với Big Tech trên khắp châu Âu và tiến tới thành lập một đội quân châu Âu, trao thêm quyền lực cho Nghị viện châu Âu...
Tổng thống Pháp Macron hôm qua phát biểu với báo giới cho biết, cuộc bầu cử nghị viện EU sẽ là cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất kể từ năm 1979, bởi vì EU đang đứng trước nguy cơ tan rã. Ông vận động người dân Pháp đi bỏ phiếu để chống lại những người mà ông gọi là "chỉ muốn phá hoại" EU.
Các chính trị gia của khối cũng coi cuộc bầu cử EP là "trận chiến quan trọng" cho tương lai của EU, trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy ở một số nước đang nỗ lực vận động để ngăn chặn việc hội nhập EU, ngược lại, các chính trị gia chính thống thúc giục cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đối phó với nhiều thách thức hiện hữu của khối.
Theo thăm dò của Hội đồng đối ngoại EU và Yougov, EU vẫn dành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri, với hai phần ba cử tri "lạc quan" về EU. Tuy nhiên, thăm dò tại các nhóm thiểu số lớn ở Pháp (36%), Cộng hòa Séc (35%), Slovakia (31%) thừa nhận, họ cảm thấy lo lắng về tương lai của EU.
Ở các quốc gia dễ tổn thương về kinh tế như Hy Lạp và Italy, khoảng 30% đến 50% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy căng thẳng.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu nhiệm kỳ EP nhiệm kỳ 2014-2019 chỉ đạt 42,6% nên các nhà lãnh đạo EU hy vọng cuộc bầu cử lần này cử tri sẽ đi bỏ phiếu đông hơn.
Theo nhandan.com.vn