Đầu tư công nghệ giúp châu Phi thoát nghèo

09:05, 04/05/2019

Dân số châu Phi dự kiến tăng gấp hai lần, lên 2,4 tỷ người vào năm 2050. Để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, nhất là người trẻ, các tập đoàn công nghệ thời gian qua tích cực tìm cách đầu tư vào “lục địa đen”. Chính sách này cũng nhằm giúp châu Phi giải quyết các thách thức về kinh tế, chăm sóc sức khỏe và môi trường.

Văn phòng AI của Google ở A-cra, Ga-na. Ảnh AFP
Văn phòng AI của Google ở A-cra, Ga-na. Ảnh AFP

Giới kỹ sư, chuyên gia công nghệ châu Phi đang hào hứng trước thông tin Tập đoàn công nghệ Google của Mỹ thông báo thành lập trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại thủ đô A-cra của Ga-na. Theo ông M.Xi-xê, người đứng đầu trung tâm AI A-cra, việc ứng dụng AI tại châu Phi có thể đạt nhiều kết quả tích cực, thậm chí hiệu quả hơn cả ở những khu vực khác. Cũng theo ông Xi-xê, trung tâm này sẽ ưu tiên ứng dụng AI vào việc phát triển các giải pháp tại các cơ sở giáo dục, nông nghiệp, nhất là chăm sóc sức khỏe.

Giải quyết các vấn đề liên quan khám, chữa bệnh, phổ cập bảo hiểm y tế, cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu cho người dân... vẫn là những thách thức đáng kể đối với phần lớn các quốc gia châu Phi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các bệnh không lây nhiễm đã vượt qua các bệnh truyền nhiễm, trở thành nguyên nhân rút ngắn thời gian sống khỏe của người châu Phi. Các yếu tố khác là các bệnh về truyền nhiễm và ký sinh trùng, các điều kiện liên quan bà mẹ, trẻ sơ sinh, dinh dưỡng và chấn thương. Cũng theo WHO, sức khỏe giảm sút do bệnh tật đã làm sụt giảm khoảng 47% năng suất lao động.

Nhờ nguồn lao động giá rẻ, nhiều nước châu Phi từ trước đến nay chủ yếu dựa vào thu hút đầu tư để phát triển. Tuy nhiên, để thoát nghèo và phát triển nhanh và bền vững, châu Phi chủ động “mở cửa” cho các tập đoàn công nghệ lớn, nhằm bắt kịp xu hướng số hóa các ngành sản xuất chế tạo toàn cầu. Trong tương lai gần, những lĩnh vực nông nghiệp phổ biến, như trồng trọt, chăn nuôi và ngư nghiệp, vốn là thế mạnh của châu Phi, đứng trước cơ hội được rô-bốt hóa, các loại sâu bệnh được xử lý sớm và triệt để, đem lại năng suất cao.

Để phát triển AI trên toàn khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề được cho là “cố hữu” của “lục địa đen”, Google đang nỗ lực tăng cường hợp tác với các trường đại học và các công ty khởi nghiệp tại Ga-na, Ni-giê-ri-a, Kê-ni-a và Nam Phi. Ngoài Google, các công ty công nghệ khác, trong đó có Facebook, cũng đưa ra sáng kiến tương tự tại châu Phi. Facebook còn có kế hoạch đầu tư xây dựng các tuyến cáp mới ở châu Phi, để giảm chi phí truy cập in-tơ-nét băng thông rộng và bảo đảm đăng ký dễ dàng hơn trên mạng xã hội này cho cư dân của lục địa này.

Trong bối cảnh các dịch vụ thông qua in-tơ-nét ngày càng “nở rộ”, với việc số dân gia tăng nhanh, nhất là lao động trẻ, châu Phi được coi là thị trường hấp dẫn thu hút các tập đoàn công nghệ của Mỹ tập trung phát triển AI. Đây cũng là lý do mà Google đầu tư tài trợ vào châu lục này, nhằm đào tạo một thế hệ các nhà phát triển AI mới. Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cũng lên kế hoạch đầu tư khoảng 30 dự án, trong đó tập trung các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, như sản xuất và truyền tải điện năng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, xúc tiến hoạt động thương mại tại các khu vực biên giới, và nhất là phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông. Theo AfDB, khoản tiền đầu tư sẽ được tập trung giải ngân cho các quốc gia nghèo khó nhất tại khu vực, gồm Ca-mơ-run, CH Sát, CH Công-gô, CHDC Công-gô, Ga-bông, Ghi-nê Xích đạo và CH Trung Phi.

Giám đốc điều hành khu vực châu Phi của Cơ quan Đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) thuộc Chính phủ Mỹ G.Ga-chu cho biết, OPIC đang đàm phán với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) tại Kê-ni-a, nơi được coi trung tâm công nghệ của châu Phi, cũng như tại các nước lân cận, nhằm hiện thực hóa kế hoạch đầu tư có thời hạn hai năm của OPIC vào lĩnh vực này trong khu vực. Kế hoạch của OPIC là một phần trong chiến lược tăng cường đầu tư vào các quốc gia đang phát triển của Chính phủ Mỹ, trong đó có các nước châu Phi, nhằm giúp lục địa này giải quyết các thách thức về kinh tế, chăm sóc sức khỏe và môi trường.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com