Mặc dù vẫn còn những bất đồng song Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này được nhận định là thành công so với những kỳ vọng khiêm tốn đặt ra.
Ngoại trưởng Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc 2 ngày tại khu nghỉ dưỡng Breton ở Dinard, Pháp. Mặc dù còn bất đồng về các vấn đề tại Trung Đông nhưng theo đánh giá của các nhà ngoại giao, Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này được nhận định là thành công so với những kỳ vọng khiêm tốn đặt ra, tạo nền tảng cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 8 tới.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Canada đã chứng kiến những chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời hội nghị sớm, không ký tuyên bố chung của hội nghị và công khai chỉ trích Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau. Hội nghị lần này không có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, thay vào đó là Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Dinard, Pháp. Ảnh: Reuters |
Pháp - nước chủ tịch G7 năm nay đã thu hẹp các tham vọng trong chương trình nghị sự cho các cuộc họp mới nhất, tập trung vào những lĩnh vực dễ đạt được sự đồng thuận như những mối nguy hiểm của tội phạm mạng, đối phó bất bình đẳng giới và buôn lậu tại khu vực Sahel của châu Phi... Phát biểu kết thúc 2 ngày họp, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ lạc quan về kết quả hội nghị, tạo nền tảng tốt cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp tới. Theo ông Le Drian, Hội nghị G7 năm ngoái đã không diễn ra suôn sẻ, nhưng G7 tại Dinard lần này kết thúc tốt đẹp. Các nước đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề như đặt ra tham vọng cho các sáng kiến an ninh mạng, đồng thuận chung trong lập trường về các diễn biến tại Libya… Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng nhấn mạnh lập trường chung của G7 về Libya: “Chúng tôi đều nhất trí rằng không để leo thang quân sự xảy ra tại Libya. Chúng tôi sẽ tận dụng mọi nguồn lực để đảm bảo điều đó. Chúng tôi đã thực hiện điều này trong khuôn khổ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tình hình rất đáng lo ngại về chúng tôi không thể chấp nhận sự leo thang quân sự xa hơn”.
Tuyên bố chung cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên trong nỗ lực buộc nước này phải phi hạt nhân hóa. Liên quan việc Trung Quốc quân sự hóa tiền đồn ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông và dự định làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, G7 đã bày tỏ phản đối mọi hành động đơn phương làm xói mòn sự ổn định khu vực và trật tự dựa trên quy tắc của quốc tế.
Bất chấp sự đồng thuận trong nhiều vấn đề, nhưng Ngoại trưởng Pháp Le Drian cũng chỉ ra những điều mà các nước còn chia rẽ: “Mặc dù chúng tôi đạt được đồng thuận trong các vấn đề nhưng vẫn thừa nhận còn hai vấn đề còn bất đồng. Về tình hình Trung Đông, đặc biệt là cuộc xung đột Israel - Palestine và đánh giá về biện pháp giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, chúng tôi vẫn còn khác biệt. Điều này ngăn cản chúng tôi đạt được sự đồng thuận hoàn toàn tại cuộc họp”.
Tuyên bố chung đưa ra tại cuộc họp không đề cập đến thỏa thuận hạt nhân Iran mà Pháp, Anh, Đức tiếp tục muốn duy trì. Tuy nhiên, thông cáo cũng bày tỏ lo ngại về các hoạt động tên lửa đạn đạo và khu vực của Iran. Vấn đề được cho là gây chia rẽ nhất tại cuộc gặp là xung đột Israel - Palestine. Tháng 3 vừa qua Mỹ đã công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan, vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Liên minh châu Âu. Tuyên bố chung của G7 nêu rõ, các bên đã trao đổi quan điểm về cuộc xung đột Israel và Palestine nhưng có sự khác biệt quan điểm rõ ràng.
Lo ngại về sự chia rẽ tiếp tục phủ bóng Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, nhưng việc các nước ra được Tuyên bố chung với sự đồng thuận về nhiều vấn đề nóng của thế giới, được kỳ vọng đặt nền tảng tốt cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 24 đến 26-8 tại Biarritz, Pháp./.
Phạm Hà (VOV)