Một số đồng minh của Mỹ bày tỏ hoan nghênh trong khi đa phần dư luận yêu chuộng hòa bình thế giới lại lên án quyết định này.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng tại khu vực Trung Đông sau quyết định đơn phương của Mỹ - đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố. Một số đồng minh của Mỹ bày tỏ hoan nghênh trong khi đa phần dư luận yêu chuộng hòa bình thế giới lại lên án quyết định này, cho rằng, động thái của Mỹ có thể đặt ra những nguy cơ đối với hòa bình thế giới.
Một ngày sau khi Mỹ đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Iran hôm 9-4 đã kịch liệt chỉ trích quyết định của Mỹ, xem đây là quyết định sai lầm.
Ngày 8-4, Mỹ tuyên bố liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố. Ảnh: TV7 Israel |
Trong phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Rohani nhấn mạnh, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chính là lực lượng bảo vệ đất nước và người dân Iran, chứ không phải là khủng bố. Sai lầm của Mỹ sẽ khiến người dân Iran đoàn kết hơn và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày càng lớn mạnh tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. “Họ luôn ngấm ngầm bày đặt những âm mưu chống lại đất nước Iran trong 40 năm qua và âm mưu của họ luôn luôn thất bại. Họ thất bại bởi vì tất cả đất nước và người dân Iran từ già trẻ, gái trai thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi thành phần tôn giáo từ dòng Sunni đến dòng Shiite đều luôn sát cánh cùng nhau, kiên định và kháng cự lại âm mưu của họ. Trong suốt quá trình đó, người dân luôn được sự ủng hộ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran”, Tổng thống Rohani nói.
Việc Mỹ lần đầu tiên đưa lực lượng quân sự của một quốc gia vào danh sách khủng bố đã ngay lập tức khiến căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, gây phản ứng trái chiều trong khu vực. Israel, Kuwait và Yemen - những nước được xem là đồng minh của Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh quyết định, xem đây là bước đi tích cực, tác động tới an ninh và hòa bình trong khu vực và trên thế giới, cũng như lập lại ổn định trong khu vực. Trái lại những người yêu chuộng hòa bình thế giới và có quan điểm trung lập thì kịch liệt lên án quyết định của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Pháp và Trung Quốc ngày 9-4 ra tuyên bố lên án quyết định của Mỹ. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi Mỹ tránh làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh, Trung Quốc phản đối tất cả các hành vi chính trị hóa quyền lực và “bắt nạt” các quốc gia khác. Trung Quốc hy vọng các bên liên quan có thể làm nhiều hơn nữa cho hòa bình và sự ổn định của khu vực Trung Đông. Ông Lục Khảng nói: “Trung Quốc cho rằng, khi giải quyết các mối quan hệ giữa các quốc gia, các bên liên quan cần tuân thủ những quy định chi phối quan hệ quốc tế theo đúng mục tiêu và nguyên tắc hiến chương Liên hợp quốc. Chúng tôi phản đối bất cứ hành vi chính trị hóa quyền lực và “bắt nạt” các quốc gia khác. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan, đặc biệt là các quốc gia ngoài khu vực cần làm nhiều hơn để thúc đẩy hòa bình và sự ổn định của Trung Đông, tránh bất cứ biện pháp nào làm leo thang căng thẳng trong khu vực”.
Iraq - nước láng giềng của Iran thậm chí còn cho rằng, quyết định của Mỹ có thể dẫn đến những tác động tiêu cực. Iraq sẽ làm hết sức để ngăn chặn quyết định của Mỹ. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi nói: “Những quyết định như vậy sẽ dẫn tới tác động ngược tiêu cực cả ở Iraq và khu vực. Mỹ đã đưa ra quyết định và Iran cũng sẽ đưa ra quyết định tương thích. Iraq không muốn dính líu vào các cuộc xung đột. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định ở khu vực, duy trì quan hệ tốt với cả Iran, Mỹ và các nước khác”.
Có thể thấy, kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem Iran là cái gai trong mắt. Theo một báo cáo an ninh của Mỹ, Iran có mối quan hệ chặt chẽ với Syria, Iraq, lực lượng Hezbollah ở Lebanon và lực lượng Hamas ở Dải Gaza, hình thành một “vòng cung Shiite” xung quanh Israel - đồng minh thận cận của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Ảnh hưởng của Iran tại khu vực đặt ra nguy cơ đối với an ninh của Mỹ và Israel và khiến Mỹ giận dữ.
Theo kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đây cũng chính là lý do khiến chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran đã được chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama dỡ bỏ. Bài bình luận đăng tải trên trang web của ??i Truy?n h?nh Trung ??ng Trung Qu?cĐài Truyền hình Trung ương Trung Quốc nhận định, hành động đơn phương tiếp theo của Mỹ đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố được xem là phớt lờ quy định và luật pháp quốc tế, đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy nguy hiểm. Đây là một sự thụt lùi của lịch sử, một sự khiêu khích phá hoại hòa bình thế giới trong bối cảnh người dân ở Trung Đông đang khao khát hòa bình sau nhiều thập kỷ chiến tranh.
Truyền thông Mỹ dẫn lời các nhà phân tích thì cho rằng động thái này của Mỹ, cùng với sự trả đũa có thể có từ Iran và các lực lượng Hồi giáo dòng Shiite ở các quốc gia Trung Đông, sẽ tiếp tục làm leo thang cuộc đối đầu trong khu vực và làm phức tạp nhiệm vụ của các lực lượng và giới ngoại giao Mỹ trong khu vực, vốn phải liên kết với các chính phủ có mối liên hệ mật thiết với Iran và thậm chí với chính Iran về một nhóm các vấn đề nhạy cảm./.
Hồng Nhung (VOV)