Kinh tế Mỹ đứng trước nhiều rủi ro

07:03, 18/03/2019

Tổng thống D.Trump bày tỏ tự hào về những thành tựu kinh tế mà Mỹ đạt được trong năm 2018 và khẳng định kinh tế Mỹ hiện ở trạng thái tốt hơn bao giờ hết với những kỷ lục mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ đối mặt không ít thách thức trong thời gian tới.

Quang cảnh phố Uôn (Niu Oóc, Mỹ).
Quang cảnh phố Uôn (Niu Oóc, Mỹ).

Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2018, cao hơn 0,7% so với mức tăng trưởng năm 2017. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn có những tín hiệu cải thiện sau thời gian dài bế tắc từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump đe dọa hoặc áp đặt mức thuế nhập khẩu mới nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại và bảo vệ nền sản xuất nội địa của Mỹ. Người đứng đầu Nhà trắng bày tỏ sự lạc quan về những tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng lên kế hoạch khởi động trở lại các đàm phán thương mại.

Tuy nhiên, theo Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý cuối năm 2018, ở mức 2,6%, so với mức 3,4% trong quý trước đó, đánh dấu mức giảm theo quý thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân một phần là do những tác động của tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ trong năm tuần liên tiếp, kéo dài từ cuối năm 2018 tới đầu năm 2019. Các số liệu cũng cho thấy cam kết của Tổng thống D.Trump về giảm mất cân bằng thương mại của Mỹ vẫn chưa trở thành hiện thực. Thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm 2018 ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, bất chấp chính sách bảo hộ thương mại của Nhà trắng. Sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng hóa nhập khẩu dường như càng tăng, sau khi Washington áp các mức thuế đối với nhôm,
thép nhập khẩu từ nước ngoài và nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại ở mức 2,3% trong năm 2019 do chính sách cắt giảm thuế thực hiện năm 2017, cũng như việc giảm dần các biện pháp kích thích tài chính. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra các báo cáo tương đồng với dự báo do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra, theo đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2019 xuống còn khoảng 2% do những tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại lớn, những vấn đề nảy sinh trong tiến trình Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit và một số yếu tố khác, như nguy cơ Chính phủ Liên bang Mỹ đóng cửa một phần trở lại liên quan những mâu thuẫn về dự án bức tường biên giới phía nam nước Mỹ…

Trước những dự đoán không mấy tích cực và rủi ro có thể xảy ra, Tổng thống Mỹ D.Trump tiếp tục nhấn mạnh, chính sách thương mại của Mỹ sẽ không bị ràng buộc bởi những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ bảo vệ quyền tăng thuế. Quan hệ thương mại EU - Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ căng thẳng sau khi Bộ Thương mại Mỹ đệ trình một báo cáo lên Nhà trắng với nội dung cho rằng hoạt động nhập khẩu ô-tô có thể làm tổn hại an ninh quốc gia, mở đường cho Tổng thống D.Trump áp thuế nhập khẩu ô-tô lên tới 25% như cảnh báo từng đưa ra.

Tổng thống D.Trump tiếp tục xem xét lại quan hệ song phương với một loạt đối tác và sử dụng chính sách thương mại cứng rắn khi tuyên bố muốn có mức thuế "có đi có lại" với các bên. Ðầu tháng 3, Chính phủ Mỹ tuyên bố có thể xem xét về việc chấm dứt ưu đãi thuế quan dành cho Ấn Ðộ và Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do Ấn Ðộ triển khai nhiều rào cản gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động thương mại của Mỹ; trong khi đó, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức phát triển nhất định và không còn nằm trong diện hưởng ưu đãi.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com