Ngày 5-12, phát biểu với TASS về kết quả cuộc họp kín diễn ra một ngày trước đó về vấn đề Iran tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đại diện chính thức của Nga tại LHQ Fedor Strzizhovsky nhấn mạnh rằng, cuộc họp đã kết thúc mà không thể đưa ra tuyên bố chung, cũng như kế hoạch hành động nào sau đó.
![]() |
Tại cuộc họp nói trên, Nga đã kêu gọi tiến hành đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng lẫn nhau với Iran, thay vì áp đặt trừng phạt cấm vận. Nhà ngoại giao Nga đồng thời khẳng định lập trường của Moscow: “Chúng tôi không cho rằng Iran đã vi phạm Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ, theo đó cấm Iran thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế với khả năng mang vũ khí hạt nhân”. Ngoài ra, Nga cũng kêu gọi các thành viên HĐBA LHQ nên quan tâm tới quan điểm của Nga, cho rằng cần phải xây dựng một cơ chế an ninh tại Vịnh Persic.
Ông Strzhizhovsky lưu ý rằng, dù đề nghị triệu tập cuộc họp này song Anh và Pháp đã không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Tehran vi phạm Nghị quyết 2231, mà chỉ tuyên bố chung chung rằng loại tên lửa mà Iran phóng hôm 1-12 vừa qua là vượt quá nhu cầu phòng vệ hợp pháp. Cụ thể, các đại diện của Anh và Pháp tuyên bố rằng, họ coi việc phóng tên lửa của Iran không phải là một sự vi phạm trực tiếp, mà là “một sự khác biệt” so với yêu cầu của nghị quyết 2231. Trong khi đó, đại diện của Mỹ tại LHQ Nikki Haley một lần nữa hối thúc HĐBA lên án hành động phóng tên lửa của Tehran, mà không viện dẫn lý do cụ thể.
Về phần mình, phái đoàn Iran tại LHQ khẳng định, Tehran không vi phạm nghị quyết của HĐBA và loại tên lửa phóng thử được thiết kế chỉ có khả năng mang đầu đạn thông thường, hoàn toàn không phải là đầu đạn hạt nhân. Tuyên bố nêu rõ Iran chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Ngày 1-12 vừa qua, Iran đã tiến hành thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung. Ngay sau động thái trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Tehran, cho rằng vụ thử nghiệm này vi phạm Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), cũng như Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ.
Theo nhandan.com.vn