Hưởng ứng kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập một “quân đội châu Âu thực sự,” ngày 7-11, Liên minh các lực lượng quân sự châu Âu sẵn sàng phản ứng trước các cuộc khủng hoảng gần biên giới châu lục đã ra mắt tại Paris.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, sáng kiến do Pháp khởi xướng được cho là không mâu thuẫn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng phần nào phản ánh nước Mỹ bị cô lập hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.
![]() |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại một sự kiện ở Pont-a-Mousson, đông bắc nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Pháp Macron đề xuất ý tưởng trên cách đây hơn một năm, nhưng vấp phải sự hoài nghi của các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU), do trùng với việc EU ra mắt một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy đầu tư quân sự chung.
Đến nay, 9 quốc gia gồm Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã hưởng ứng sáng kiến của Pháp. Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga tiếp Tướng Libi Khalifa Haftar
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 7-11 đã tổ chức một cuộc họp với người đứng đầu lực lượng quân đội quốc gia Libi (LNA), tướng Khalifa Haftar tại Thủ đô Matxcơva, nhân chuyến thăm của vị tướng này tới Nga.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hai bên đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề an ninh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố và cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libi hiện nay. Sau lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi Moamar Gadhafi năm 2011, Libi đến nay vẫn rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang.
Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libi vẫn tồn tại song song 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, là: Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận kiểm soát Thủ đô Tripôli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
Hồi tháng 6 vừa qua, tướng Khalifa Haftar tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát toàn bộ quốc gia Bắc Phi này bằng mọi giá và chỉ ủng hộ chính quyền dân sự do người dân nước này bầu.
Bất đồng về dự thảo nghị quyết chấm dứt cuộc chiến tại Yemen
Hà Lan, Thụy Điển và Peru (các nước thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ ngày 7-11 đã ngăn chặn tuyên bố kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột tại Yemen, đồng thời hối thúc HĐBA cần thông qua một nghị quyết toàn diện đưa các bên liên quan ngồi vào đàm phán.
Hà Lan, Thụy Điển và Peru đã phản đối bản dự thảo do Trung Quốc - nước Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 12 đề xuất và do Anh đệ trình, với lý do tuyên bố này không đề cập đến quan ngại về khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở Yemen. Văn bản 3 nước đồng gửi tới HĐBA nêu rõ vấn đề cấp bách nhất hiện nay là phải có được một nghị quyết để đặc phái viên của LHQ và Văn phòng Nhân đạo LHQ (OCHA) có đủ hậu thuẫn cần thiết thực thi các bước tiến đến chấm dứt xung đột tại Yemen.
Bản dự thảo nghị quyết do Anh đệ trình đề cập đến việc thiết lập lệnh ngừng bắn, cung cấp các tuyến hành lang hỗ trợ nhân đạo ở Yemen và mở các cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ về chấm dứt chiến tranh. Dự thảo được soạn ngay sau khi Mỹ bất ngờ gây sức ép yêu cầu Saudi Arabia về chấm dứt xung đột bằng các bước đàm phán và tạo lập một lệnh ngừng bắn.
Xung đột trong 24 giờ qua tại ngoại ô Thành phố Hodeida, Yemen đã khiến 27 phiến quân Houthi cùng với 12 tay súng ủng hộ chính phủ thiệt mạng./.
Theo baotintuc.vn