Truyền thông Nga dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Xéc-gây Sôi-gu cho biết, Nga sắp tổ chức cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua.
Cuộc tập trận mang tên Vostok 2018 (Phương Đông 2018) sẽ diễn ra tại các quân khu miền Trung và miền Đông nước Nga, với sự tham gia của khoảng 300 nghìn binh sĩ, hơn 1.000 máy bay quân sự, hai trong số các hạm đội hải quân của Nga, cùng hàng chục nghìn xe thiết giáp.
Theo Bộ trưởng Sôi-gu, đây sẽ là cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ năm 1981.
Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 15-9 và dự kiến có sự tham gia của các đơn vị Trung Quốc và Mông Cổ.
Pa-lét-xtin: Các trường học của LHQ mở cửa bất chấp việc Mỹ cắt viện trợ
Ngày 29-8, hàng chục nghìn trẻ em Pa-lét-xtin đã quay trở lại các trường học của LHQ tại dải Ga-da và khu Bờ Tây, bất chấp việc Mỹ cắt viện trợ.
Là nhà tài trợ chính cho Cơ quan LHQ về người tị nạn Pa-lét-xtin, Chính phủ Mỹ hồi đầu năm đã quyết định cắt giảm mạnh khoản đóng góp của mình, xuống còn 60 triệu USD trong năm nay so với con số 350 triệu USD hồi năm ngoái. Ngày khai giảng của khoảng 526 nghìn học sinh được phân bổ tại những ngôi trường được LHQ dựng lên trên khắp những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-lét-xtin và cả tại các quốc gia khác như Li-băng, Xi-ri hay Gioóc-đa-ni bị bao phủ bởi những lo ngại về sự thiếu hụt tài chính.
Theo Cơ quan LHQ về người tị nạn Pa-lét-xtin, tổng cộng 711 ngôi trường của LHQ được mở cửa trong ngày 29-8 và những ngày tới. Tuy nhiên, người phát ngôn Cơ quan LHQ này, ông Crít Gun-nét cũng cho biết, hiện cơ quan này không đủ tài chính để có thể duy trì các lớp học cho tới tháng 10. Trước đó, nhiều người đã lo ngại năm học mới này không thể bắt đầu vì LHQ thông báo thiếu quỹ để trả lương cho giáo viên.
Chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm đã đặt điều kiện để khôi phục viện trợ cho Pa-lét-xtin là nước này phải quay lại bàn đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột Ít-xra-en - Pa-lét-xtin. Tuy nhiên, Pa-lét-xtin đã ngừng mọi cuộc tiếp xúc với Mỹ kể từ tháng 12 năm ngoái, sau khi Mỹ công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Ít-xra-en. Đối với người Pa-lét-xtin, quyết định đơn phương này, đi ngược lại sự đồng thuận quốc tế tồn tại hàng thập kỷ qua là sự phủ nhận những nỗ lực của Pa-lét-xtin về một Nhà nước Pa-lét-xtin độc lập và có chủ quyền, với Đông Giê-ru-sa-lem là thủ đô./.
Theo baotintuc.vn