Trong bài viết đăng trên trang mạng vox.com, tác giả E.Xti-uốt cho rằng, vẫn có thể ngăn chặn “cuộc chiến thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc, chỉ là hiện chưa tìm ra cách thức cụ thể và hiệu quả mà thôi. Bài viết dẫn nhận định của giới học giả, chuyên gia Mỹ “hiến kế” nhằm sớm chấm dứt xung đột thương mại giữa hai nước.
Cảng Lốt An-giơ-lét của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đã chính thức “khai hỏa” cuộc chiến bằng quyết định hôm 6-7 về áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ có tổng trị giá 43 tỷ USD. Ngay lập tức, Trung Quốc đáp trả bằng biện pháp và trị giá tương tự. Các biện pháp trả đũa lẫn nhau đẩy hai nước vào một cuộc chiến thương mại tác động tiêu cực đối với người tiêu dùng và nền kinh tế của cả hai nước, lẫn thế giới.
Trang mạng vox.com đã khảo sát ý kiến các chuyên gia Mỹ trong các lĩnh vực quan hệ đối ngoại, luật, kinh tế chính trị và thương mại quốc tế, chung quanh câu hỏi liệu có cách thức nào chấm dứt bế tắc thương mại Mỹ - Trung Quốc, hay hai bên sẽ chìm trong cuộc chiến đáp trả không hồi kết. Và câu trả lời chung nhất là: Lối thoát luôn có, song rất phức tạp.
Theo cựu Đại diện Thương mại Mỹ M.Phrô-man, hiện là chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại, điều quan trọng là lãnh đạo hai nước cần tin tưởng có “lối thoát” để có thể nhất trí về điều mà cả hai bên thật sự mong muốn. Ngoài ra, hai phía cần phối hợp để các biện pháp thuế quan không trở thành yếu tố thường trực trong môi trường thương mại. Nếu đạt được một thỏa thuận, hai bên chắc chắn tìm được cách để thoát khỏi các hành động “ăn miếng, trả miếng”. Nghiên cứu viên cao cấp G.Men-dơ, thuộc chương trình kinh tế và phát triển toàn cầu của Viện Brookings, chia sẻ quan điểm nêu trên, đồng thời cảnh báo rằng, vấn đề ở chỗ hai bên vẫn chưa rõ diện mạo “lối thoát” này như thế nào. Bắc Kinh vẫn bối rối, không rõ Oa-sinh-tơn đang nhắm tới điều gì. Cả hai bên đều muốn tìm giải pháp cho xung đột, nhưng cách thức mà Chính quyền Tổng thống Đ.Trăm đang tiến hành lại làm lu mờ triển vọng chấm dứt cuộc xung đột này, ít nhất trong ngắn hạn.
Chuyên gia X.Ken-nơ-đi, Giám đốc dự án về kinh tế chính trị và kinh doanh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cũng nhấn mạnh rằng, giải pháp là có nhưng để đạt được lại không phải chuyện “một sớm một chiều”. Theo chuyên gia CSIS, thời điểm “lối thoát” có thể hình thành là lúc cả hai nước nhận thấy rõ “tác động đau đớn” của cuộc chiến, cũng như nhu cầu hết sức cấp bách tìm giải pháp nhằm bảo toàn lợi ích của mình. Đáng tiếc, ở thời điểm hiện tại, dường như cả Mỹ và Trung Quốc vẫn “ưu tiên” các biện pháp trả đũa hơn là thương lượng.
Chia sẻ nhận định về cuộc “giằng co” giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Giáo sư luật Mắc U thuộc Đại học Havard cho rằng, cuộc chiến thương mại mới ở giai đoạn đầu, khi cả hai bên vẫn đang “thử thách lòng kiên nhẫn của nhau”. Cuộc xung đột thương mại giữa hai nước hiện nay liên quan hai vấn đề chính, gồm: Thứ nhất là không tương xứng về mức thuế, mức tiếp cận thị trường và đầu tư; và thứ hai là vấn đề chuyển giao công nghệ và chính sách phát triển công nghiệp kỹ thuật cao của Trung Quốc. Oa-sinh-tơn hiện “đặt cược” vào sự nhượng bộ của Bắc Kinh khi cảm nhận được thế “bị đe dọa”, trong khi phía Trung Quốc vẫn hy vọng Mỹ rồi sẽ phải chấp thuận một “thỏa thuận mềm hơn” một khi không thể chịu nổi tác động về kinh tế và chính trị do cuộc chiến thương mại mang lại. Do vậy, ở thời điểm này, hai bên vẫn đang đong đếm khả năng nhượng bộ của nhau và đều tin rằng đối phương sẽ là bên chịu nhún trước.
Điều nguy hiểm ở chỗ, cho đến thời điểm hiện tại, quy mô tác động của xung đột chưa lớn; và cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều tin rằng họ có thể vượt qua những tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Theo nghiên cứu viên cấp cao C.Brao thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, dường như Chính quyền Tổng thống Đ.Trăm chưa có bất kỳ kế hoạch thương lượng nào, trong khi không hề cho thấy họ mong muốn điều gì khi phát động cuộc chiến thương mại với đối tác. Bởi thế, cái giá của cuộc chiến thuế quan lần này ít nhất người nông dân Mỹ mới là bên phải gánh chịu.
Trong một “kịch bản khả quan hơn”, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách thương mại H.Xti-phen, thuộc Viện Cato, cho rằng một khi người tiêu dùng và giới doanh nghiệp Mỹ bị tổn thương và lên tiếng, thì Chính quyền Tổng thống Đ.Trăm sẽ phải lùi bước. Khi đó, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc có thể nhượng bộ, cùng tạo ra một thỏa thuận cân bằng để cả hai bên đều có thể tuyên bố chiến thắng.
Theo nhandan.com.vn