Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê ngày 27-3 đã thông qua các dự luật nhằm tiến tới việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ quyết định rút khỏi văn kiện này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng phụ trách CPTPP của Nhật Bản Tô-si-mít-su Mô-tê-gi khẳng định CPTPP là một kết quả bước ngoặt trong quan điểm thúc đẩy thương mại tự do. Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình các dự luật này lên phiên họp của Quốc hội hiện nay, kéo dài đến ngày 20-6 tới.
![]() |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại phiên họp Hạ viện ở Tokyo ngày 30/1. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Tô-ky-ô hy vọng động thái này sẽ dẫn dắt các tiến trình cần thiết trong nước cũng như tạo động lực phê chuẩn CPTPP tại các nước thành viên khác. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn thành các thủ tục trong nước.
Để CPTPP có hiệu lực tại Nhật Bản, nước này cần sửa đổi tổng cộng 10 đạo luật, trong đó bổ sung các quy định và biện pháp mới đối với những thay đổi từ hiệp định thương mại tự do này. Tuy nhiên, trên thực tế, những thay đổi này không lớn như việc ấn định thời điểm thực thi hoặc thay đổi tên của hiệp định.
Khi CPTPP đi vào thực thi, bản quyền và thương hiệu sẽ được bảo vệ trong 70 năm sau khi các chủ sở hữu thương hiệu không còn tồn tại, lâu hơn 20 năm so với quy định hiện nay tại Nhật Bản. Chính phủ cũng sẽ tìm cách giúp đỡ những người chăn nuôi gia súc trong nước khi họ phải chịu thiệt hại do giá sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn từ các nhà cạnh tranh nước ngoài.
IMF đề nghị tạo lập “quỹ dự phòng” ở Eurozone
Ngày 26-3, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Crít-xtin La-ga-đơ kêu gọi các quốc gia Khu vực sử dụng đồng tiền chung ơ-rô (Eurozone) chuẩn bị một quỹ dự phòng chung để hỗ trợ trong trường hợp các nền kinh tế thành viên gặp khó khăn.
Phát biểu tại Béc-lin (Đức), bà La-ga-đơ dẫn các kết quả nghiên cứu của IMF cho biết việc chuẩn bị một năng lực tài khóa tập trung với một mức chi phí vừa phải có thể giúp giảm thiểu 50% những tác động tiêu cực trong khủng hoảng. Theo đề xuất của IMF, các quốc gia nên dành khoảng 0,35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm nộp vào một quỹ chung để sử dụng khi cần thiết với điều kiện quỹ được quản lý bằng những quy định chi tiêu nghiêm ngặt. Khi cần thiết, quỹ có thể được trích ra cho vay để giúp đỡ những quốc gia gặp khó khăn.
Vụ cháy trung tâm thương mại ở Nga là do bất cẩn
Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin khẳng định vụ cháy Trung tâm thương mại “Zimnjaja vishnja” (Anh đào mùa Đông) ở tỉnh Kê-mê-rô-vô (Nga), làm 64 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, là do bất cẩn. Phát biểu ngày 27-3, ông Pu-chin nhấn mạnh: “Đây là hậu quả của tội bất cẩn”.
Các nhà điều tra cho biết vào thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, một nhân viên an ninh của Trung tâm này đã tắt hệ thống cảnh báo cháy và các lối thoát hiểm của tòa nhà đã bị đóng. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành xác định nguyên nhân gây ra cháy. Tuy nhiên, theo một số ý kiến chuyên gia, nguyên nhân có thể là các vi phạm trong lắp đặt mạng điện tòa nhà, hoặc bất cẩn trong dùng lửa.
Cơ quan chức năng Nga đã khởi tố vụ án hình sự liên quan tới vụ hỏa hoạn, đồng thời thiết lập đường dây nóng và điều động đội ngũ bác sĩ tâm lý hỗ trợ các gia đình nạn nhân.
Thảm kịch cháy Trung tâm thương mại “Anh đào mùa Đông” đã làm 64 người thiệt mạng. Tính theo con số nạn nhân thì đám cháy tại Kê-mê-rô-vô là một trong bốn đám cháy lớn nhất trong vòng 100 năm qua tại Nga. Bắt đầu từ ngày 27-3, tỉnh Kê-mê-rô-vô sẽ để tang các nạn nhân trong 3 ngày. Một số kênh truyền hình Trung ương cũng tạm ngừng phát sóng các chương trình giải trí./.
Theo baotintuc.vn