Trong thông điệp liên bang đầu tiên trên cương vị lãnh đạo Nhà trắng, ngày 31-1, Tổng thống Ð.Trăm tiếp tục ca ngợi dự án cắt giảm thuế là một trong những thành tựu lớn nhất về cải cách kinh tế của Mỹ trong năm 2017.
![]() |
Tổng thống Mỹ Ð.Trăm và bản cải cách thuế. Ảnh: Reuters |
Cuối tháng 12-2017, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm ký ban hành dự luật cải cách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất trị giá 1.500 tỷ USD. Ðây được xem như chiến thắng lập pháp lớn nhất mà Tổng thống Ð.Trăm đạt được kể từ khi lên nắm quyền. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong thông điệp liên bang năm 2018: Kể từ khi chúng ta thông qua chính sách thuế, khoảng ba triệu công dân Mỹ được hưởng khoản tiền dư ra từ việc cắt giảm thuế, lên tới hàng nghìn USD mỗi người. Theo Tổng thống Trăm, với chính sách thuế mới, các doanh nghiệp lớn của Mỹ, như Apple, ngân hàng Bank of America (BoA) hay Walmart, có thể thưởng cho hàng nghìn nhân viên khoản lương ít nhất từ vài trăm cho đến vài nghìn USD. Apple tiết kiệm ít nhất 40 tỷ USD từ cắt giảm thuế, ngân hàng BoA tiết kiệm 2,7 tỷ USD và con số này của Walmart là khoảng bốn tỷ USD. "Chúng ta đã cắt giảm thuế kinh doanh từ 35% xuống còn 21%, vì vậy các công ty Mỹ có thể cạnh tranh và chiến thắng bất kỳ đối thủ nào trên thế giới", nhà lãnh đạo Mỹ hào hứng cho biết.
Tuy nhiên, khi văn bản luật về cải cách thuế được thông qua, đảng Dân chủ ngay lập tức phản đối quyết liệt vì cho rằng, số đông người Mỹ sẽ được giảm thuế, nhưng thành phần được hưởng lợi nhiều nhất lại là những người giàu, trong khi luật thuế mới lại cộng thêm 1.500 tỷ USD vào khoản 20.000 tỷ USD nợ công của Mỹ trong 10 năm tới. Trung tâm Chính sách thuế của Mỹ từng nhận định rằng, dự luật cải cách sẽ cắt giảm thuế cho 95% số người Mỹ trong năm 2018, nhưng mức giảm thuế trung bình cho thành phần có thu nhập cao vượt xa mức dành cho những người có thu nhập thấp. Cụ thể, theo hãng Moody’s, đến năm 2027, số người Mỹ thu nhập ít hơn 75.000 USD sẽ bị tăng thuế. Hơn 75% số tiền tiết kiệm được đổ vào túi những người có thu nhập hơn 200.000 USD, chiếm khoảng 5% số người đóng thuế.
Vào thời điểm luật cải cách thuế được thông qua, một khảo sát do CNN thực hiện cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Ð.Trăm xuống mức thấp kỷ lục. Chỉ 35% số người Mỹ đồng ý với cách Tổng thống Ð.Trăm xử lý công việc; 59% số ý kiến phản đối. Ðây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất cho một tổng thống Mỹ sau năm đầu ở Nhà trắng.
Giới chức Mỹ hy vọng, chính sách thuế mới dành ưu đãi đối với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tại nước ngoài sẽ là yếu tố thu hút các công ty đa quốc gia của Mỹ trở về nước đầu tư và hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ nước này, để tránh những khoản thuế lớn theo quy định thuế hiện hành. Trong khi đó, cải cách thuế của Mỹ có thể gây những tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Liên hiệp châu Âu (EU). Theo Chủ tịch C.Phu-xtơ của Viện Nghiên cứu kinh tế (Ifo), có trụ sở tại Mu-ních (Ðức), chính sách thuế của Oa-sinh-tơn làm gia tăng sức ép đối với hoạt động đầu tư và thị trường việc làm. Nguyên nhân là, trong khi mức thuế trung bình của doanh nghiệp ở hầu hết các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hiện nay là 25%, các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ lại được hưởng mức thuế thấp hơn, chỉ 21%, sau khi được điều chỉnh từ mức 35%. Nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Kỹ thuật Ðức (VDMA) R.Vích-chơ hối thúc Béc-lin có biện pháp ứng phó kịp thời, bằng cách giảm gánh nặng tài chính cho các công ty đang hoạt động tại Ðức nếu chính phủ liên bang muốn ngăn chặn làn sóng các doanh nghiệp và lao động đổ tới Mỹ.
Chưa biết những lợi ích từ chính sách cắt giảm thuế mà Tổng thống Ð.Trăm coi là "cải cách vĩ đại" nhất trong lịch sử nước Mỹ sẽ còn kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, thời gian tới, người đứng đầu Nhà trắng cần giải quyết những bất đồng nội bộ nước Mỹ, cũng như chuẩn bị đối phó phản ứng của các nền kinh tế thế giới về những cải cách trong lĩnh vực thuế.
Theo nhandan.com.vn