Các nước EU nhất trí xem xét lại thỏa thuận hạt nhân I-ran

08:01, 29/01/2018

Ngày 27-1, Ngoại trưởng Mỹ Rếch Ti-lơ-sơn tuyên bố các nhóm làm việc với nhiệm vụ sửa đổi những điều mà Mỹ cho là “sai lầm” trong thỏa thuận hạt nhân I-ran đã gặp nhau để thảo luận phạm vi điều chỉnh cần thiết cũng như mức độ tham gia của I-ran.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: PAP/TTXVN
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: PAP/TTXVN

Ngoại trưởng Ti-lơ-sơn, người vừa kết thúc chuyến thăm châu Âu kéo dài một tuần, cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ của Anh, Pháp và Đức - các bên liên quan trong thỏa thuận năm 2015 - trong việc xem xét lại thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đe dọa rút khỏi nếu như không được sửa đổi. Theo ông Ti-lơ-sơn, các nhóm làm việc đã bắt đầu họp mặt với nỗ lực thống nhất các nguyên tắc, phạm vi cần giải quyết và mức độ tham gia thảo luận của I-ran nhằm giải quyết các vấn đề này.

Theo ông Ti-lơ-sơn, thỏa thuận hạt nhân chỉ là “một phần nhỏ” trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Oa-sinh-tơn lo ngại nhiều hơn về các vấn đề khác, trong đó có nghi vấn Iran hỗ trợ lực lượng phiến quân Hu-thi tại Y-ê-men, điều mà I-ran luôn bác bỏ.

Liên hợp quốc hỗ trợ châu Phi chống khủng bố

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 27-1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) An-tô-ni-ô Gu-tê-rét tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các cơ quan chống khủng bố, dự kiến vào tháng 6 tới, để đối phó với các mối đe dọa khủng bố ở châu Phi.

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Hòa bình và An ninh Liên minh châu Phi (AU) tổ chức ở Ê-ti-ô-pi-a trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 30, ông Gu-tê-rét cho biết mục tiêu của LHQ muốn tổ chức hội nghị này nhằm trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác, đồng thời để tìm ra những phương cách mới và sáng tạo để đối phó với khủng bố, một hiện tượng xuyên quốc gia đã trở thành mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và phát triển trên cả thế giới. 

Theo ông Gu-tê-rét, hiện các biện pháp an ninh và quân sự sẽ không đủ để loại bỏ mối đe dọa khủng bố. TTK LHQ cho rằng để loại bỏ các mối đe dọa này đòi hỏi phải kết hợp các biện pháp chính trị và kinh tế, cần phải hiểu được nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố và giải quyết những vấn đề gốc rễ, đó là vấn đề đói nghèo, bị gạt ra bên lề xã hội, cơ hội về kinh tế…, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ thanh niên, những người dễ bị tổn thương nhất. Đó sẽ là một phương pháp hữu hiệu chống khủng bố./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com