Theo phóng viên TTXVN tại Pra-ha, kết quả vòng hai cuộc bầu cử tổng thống CH Séc, diễn ra trong các ngày 26 và 27-1, tác động lớn tới tiến trình hình thành chính phủ mới ở nước này.
Nhà phân tích chính trị Pi-tơ Hôn-dếch nói trên sóng Đài Phát thanh Séc rằng, đương kim Tổng thống Mi-lốt Dê-man đã hứa trao cho Thủ tướng An-đrây Ba-bít cơ hội lần thứ hai để thành lập chính phủ mới tại CH Séc. Trong khi đó ứng cử viên tổng thống khác, Giáo sư Gi-ri Đra-hốt sẽ không làm như vậy nếu ông đắc cử.
Thủ tướng Ba-bít dĩ nhiên là ủng hộ Tổng thống Mi-lốt Dê-man ở lại Lâu đài Pra-ha. Thủ tướng thậm chí còn “mách nước” cho ông Dê-man bằng lời kêu gọi trên kênh truyền hình Prima rằng ông nên tuyên bố rõ ràng không ủng hộ CH Séc chuyển hướng sang phía Đông và ông thăm Nga, Trung Quốc chỉ với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp Séc làm ăn ở thị trường hai nước này.
![]() |
Áp phích tranh cử trên đường phố Pra-ha - ứng cử viên Mi-lốt Dê-man. |
Giáo sư, nhà nghiên cứu chính trị Gi-ri Pri-ban khẳng định: “Ông An-đrây Ba-bít và ông Mi-lốt Dê-man tạo ra cặp xe song mã và chắc gì họ sẽ phá vỡ điều này do người nọ công khai khuyên nhủ người kia. Ba-bít không thể đơn giản bỏ rơi Dê-man hai tuần trước vòng hai cuộc bầu cử tổng thống bởi ông bị ràng buộc bởi những tham vọng chính trị mà nếu ông Gi-ri Đra-hốt đắc cử thì sẽ chịu một đòn rất mạnh. Ông Đra-hốt đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không bổ nhiệm vào chức thủ tướng các nhân vật đã bị truy tố hình sự mà ông Ba-bít là một người như vậy”.
Trong trường hợp ông Gi-ri Đra-hốt thắng cử trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống thì trước ngày 8-3, thời điểm vị nguyên thủ quốc gia nhậm chức ở Lâu đài Pra-ha, thủ tướng mới phải có được sự ủng hộ của 101 đại biểu trong Hạ viện. Nếu ông Ba-bít không làm được điều này thì sẽ bị truất quyền đứng đầu chính phủ.
Đương kim Tổng thống Mi-lốt Dê-man tại vòng hai của cuộc bầu cử rất khó tìm thêm sự ủng hộ từ phía các cử tri đã đi bỏ phiếu. Còn ông Gi-ri Đra-hốt cũng không chắc có nhận được phiếu bầu từ phía những người đã bầu cho các ứng cử viên khác thất bại ở vòng một.
Theo ông Pi-tơ Hôn-dếch, trong vòng hai tuần, ông Dê-man sẽ huy động hết sức lực để truyền động lực cho các cử tri “lười không đi bỏ phiếu ở vòng một”. Ông hy vọng ở vòng hai họ sẽ đến các điểm bỏ phiếu và bầu cho ông. Xét bức tranh toàn cảnh của CH Séc thì ông Dê-man có nhiều cơ hội bởi vì tại các tỉnh vốn là “hậu cứ” của ông Dê-man số người không đi bỏ phiếu lại cao. Ngược lại, Thủ đô Pra-ha có tỷ lệ đi bầu cao - 67%, thì lại không bỏ phiếu cho ông Dê-man mà ủng hộ ông Đra-hốt. Số cử tri tiềm ẩn của ông Dê-man sẽ vào khoảng 100- 300 nghìn người. Nếu trong các cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình ông Dê-man thuyết phục được những người ủng hộ chịu khó đi bỏ phiếu thì về mặt lý thuyết ông sẽ làm tổng thống một nhiệm kỳ nữa.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Median thực hiện thì những người ủng hộ ông Dê-man chủ yếu là người có trình độ trung học phổ thông, thu nhập thấp và những người về hưu. Trong khi các cử tri của ông Đra-hốt có trình độ và thu nhập cao hơn. Trong số 6 ứng cử viên thất bại ở vòng một có 5 người dành sự ủng hộ cho ông Đra-hốt trong khi chỉ một người quay sang ủng hộ ông Dê-man.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo các cử tri sẽ làm theo các chính khách mà họ đã ủng hộ trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống. Điều đáng lưu ý là có tới 20% số người đã đi bỏ phiếu trong các ngày 12 và 13-1 nói rằng họ sẽ không đi bầu lần nữa vào các ngày 26 và 27-1. Tỷ lệ đi bầu thấp rõ ràng là bất lợi cho ông Đra-hốt. Ông khó mà thu được nhiều lá phiếu từ các cử tri đã bầu cho các ứng cử viên phải dừng chân ở vòng một./.
Theo baotintuc.vn