Mặc dù tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, nền kinh tế Mỹ la-tinh được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2018. Bức tranh kinh tế khu vực hơn 600 triệu dân này hứa hẹn có thêm nhiều gam màu sáng nhờ những tác động thuận lợi từ việc kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nội địa tăng và giá nguyên liệu ổn định.
![]() |
Nhà máy sản xuất ô-tô ở ngoại ô thành phố Môn-tơ-rây, Mê-hi-cô. Ảnh Reuters |
Mới đây, hãng xếp hạng tín dụng Fitch nhận định, bức tranh kinh tế Mỹ la-tinh trong năm 2018 sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực và duy trì đà tăng trưởng. Dự báo trong cả năm, nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 2,2%, cao gấp hai lần so với năm 2017. Trong năm 2018, những nền kinh tế hàng đầu khu vực là Bra-xin, Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na sẽ đón nhận nhiều thông tin khả quan. Ngân hàng Trung ương Bra-xin (BCB) cho biết, lạm phát được kiềm chế đã góp phần kích thích tiêu dùng, giúp nền kinh tế Bra-xin bước đầu vượt qua giai đoạn đình trệ, với mức tăng trưởng 0,9% trong chín tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ năm ngoái, sau khi GDP tăng trưởng âm trong các năm 2015 và 2016. Tiếp tục đà phục hồi tương đối chắc chắn, các chuyên gia dự báo, nền kinh tế đầu tàu khu vực này sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2018.
Ngoài ra, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba Mỹ la-tinh là Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na cũng ghi nhận những triển vọng tươi sáng trong năm 2018. Mặc dù gặp nhiều trở ngại do tiến trình tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô), nền kinh tế Mê-hi-cô vẫn được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá lạc quan, nhờ các chính sách củng cố tài chính của chính phủ nước này. Theo IMF, nợ công của Mê-hi-cô sẽ giảm trong khi nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng. IMF cũng dự báo, kinh tế Ác-hen-ti-na sẽ phục hồi bền vững, đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2018, nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Dù bức tranh kinh tế Mỹ la-tinh đã xuất hiện thêm nhiều gam màu sáng, Fitch cảnh báo, hiện vẫn tồn tại nhiều nguy cơ có thể khiến xếp hạng tín dụng của một số quốc gia trong khu vực giảm. Theo đó, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chính sách kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn của Mỹ sẽ gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực, nhất là đối với Mê-hi-cô và các quốc gia Trung Mỹ, trong bối cảnh kinh tế của các nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối gửi về từ Mỹ và quan hệ thương mại với Oa-sinh-tơn. Mới đây, IMF cảnh báo, tương lai không chắc chắn của NAFTA sẽ gây trở ngại đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mê-hi-cô. Theo đó, quá trình đàm phán càng kéo dài với tốc độ và kết quả càng thiếu chắc chắn thì càng tạo nguy cơ lớn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ la-tinh này. Bộ trưởng Ngoại giao Mê-hi-cô L.Vi-đê-ga-rây cho biết, hiện nước này đang tiếp tục triển khai các biện pháp đa dạng hóa thị trường, rà soát hệ thống thuế quan và bảo vệ đầu tư trước một kịch bản xấu của tiến trình tái đàm phán NAFTA.
Ngoài ra, do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, con thuyền kinh tế Mỹ la-tinh có thể dễ dàng bị chao đảo trước những biến động của thị trường thế giới. Trên thực tế, khi giá nguyên liệu lao dốc mạnh vào các năm 2015 và 2016, kinh tế khu vực đã đối mặt không ít sóng gió. Mặc dù hiện nay, giá dầu thô đã tăng nhẹ và ít biến động hơn, nhưng các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu “vàng đen”, như Vê-nê-xu-ê-la, sẽ khó có thể phục hồi trong một sớm, một chiều. Các chuyên gia kinh tế thế giới khuyến cáo, việc chủ động đa dạng hóa nền kinh tế chính là chìa khóa để các nền kinh tế Mỹ la-tinh hạn chế sự phụ thuộc vào dầu mỏ, bảo đảm đà tăng trưởng bền vững. Trong năm 2018, các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục tăng cường cải cách nhằm giảm tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Năm 2018, những diễn biến khó lường trong các cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra tại nhiều quốc gia Mỹ la-tinh như Bra-xin, Mê-hi-cô, Vê-nê-xu-ê-la có thể gây biến động trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng không tốt đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như nỗ lực cải cách của các nước. Các chuyên gia nhận định, việc ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội sau bầu cử sẽ là bài toán khó, đòi hỏi sự nỗ lực không mệt mỏi của các quốc gia trong khu vực.
Nền kinh tế Mỹ la-tinh kết thúc năm 2017 với tin vui về việc bước đầu vượt qua giai đoạn hai năm suy giảm liên tiếp và niềm tin về triển vọng tăng trưởng khả quan trong năm 2018. Tuy nhiên, với những khó khăn còn hiện hữu phía trước, các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, nhằm duy trì đà tăng trưởng bền vững của khu vực.
Theo nhandan.com.vn