Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) mới đây công bố báo cáo cho thấy, khu vực nông thôn, nơi lâu nay bị xem là những cái bẫy nghèo đói, trên thực tế lại là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển. Hiện nay, khu vực nông thôn đang đối mặt không ít thách thức của quá trình đô thị hóa, nhưng nếu có sự phối hợp nhịp nhàng giữa phát triển thành thị và nông thôn thì sẽ tạo ra nhiều “cơ hội vàng” cho ngành nông nghiệp.
![]() |
Hệ thống tưới nước chạy bằng năng lượng mặt trời ở Ga-na. |
Báo cáo Tình trạng lương thực và nông nghiệp 2017 của FAO cho thấy, nhờ những thành tựu đổi mới sâu rộng giúp giải phóng tiềm năng của các vùng nông thôn để tạo việc làm và nuôi sống hành tinh ngày một đông dân hơn và trẻ hơn. Hàng triệu thanh niên sắp gia nhập lực lượng lao động tại những nước đang phát triển trong thập niên tới sẽ không phải từ bỏ các khu vực nông thôn để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Từ năm 2015 đến 2030, số người ở độ tuổi 15 đến 24 dự kiến lên tới 1,3 tỷ người, phần lớn sống ở nông thôn. FAO khuyến nghị, cần có những chính sách hỗ trợ và đầu tư cho khu vực nông thôn để xây dựng các hệ thống lương thực và ngành công nghiệp sinh học kết nối khu vực thành thị, nhất là các thành phố có quy mô vừa và nhỏ. Ðây là hình thức can thiệp mang tầm chiến lược để tạo ra việc làm, giúp nhiều người dân có thể ở lại và làm giàu tại nông thôn. Thực trạng cho thấy, những thanh niên nông thôn di cư ra thành phố đứng trước nhiều nguy cơ sẽ phải gia nhập nhóm dân nghèo thành thị, thay vì thoát khỏi cảnh nghèo đói ở quê nhà. Một số khác sẽ tìm kiếm những công việc thời vụ ở nơi khác.
Tổng Giám đốc FAO H.Ða Xin-va cho biết, việc thực thi Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 phụ thuộc chủ yếu vào những tiến bộ tại khu vực nông thôn, nơi hầu hết người dân nghèo sinh sống. Những nền kinh tế nông thôn kiểu mới không nhất thiết là "liều thuốc chữa bách bệnh" giải quyết được mọi sức ép khiến người dân nông thôn di cư ra thành phố. Song, chúng sẽ tạo ra những việc làm cần thiết và góp phần khiến cho việc di cư trở thành một trong những sự lựa chọn, chứ không phải là việc làm bắt buộc.
Theo các nghiên cứu, tới năm 2030, phần lớn người dân sẽ sống ở các thành phố. Trên phạm vi toàn cầu, số người sống ở thành thị sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người so mức hiện nay. Châu Phi và châu Á sẽ chiếm 90% mức tăng này. Trước xu hướng gia tăng đô thị hóa, thúc đẩy nông sản chất lượng cao và những chuỗi phân phối hiệu quả, quy mô hơn, được cho là chìa khóa để khuyến khích sự phát triển cùng có lợi cho cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Nghiên cứu về "cuộc cách mạng thầm lặng" hướng tới tiến trình đô thị hóa một cách bền vững, Liên hợp quốc cho rằng, việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao ở khu vực thành thị có thể giúp tăng thu nhập cho dân nghèo ở nông thôn. Ðô thị hóa giúp hệ thống hạ tầng giao thông tốt hơn, mạng lưới điện ổn định và rộng khắp. Phương tiện chuyên chở hiện đại giúp nông dân có thể gieo trồng những sản phẩm giàu dinh dưỡng và có giá trị hơn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thỏa đáng của cư dân thành thị ngày một đông. Thế nhưng, nhu cầu ngày càng tăng ở thành thị sẽ không tự khắc mang lại lợi ích cho nông dân canh tác trên diện nhỏ. Do đó, cần tìm ra những giải pháp để tận dụng triệt để các cơ hội này; đồng thời, hạn chế những mặt trái của việc đô thị hóa quá nhanh.
Ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức cho hàng triệu nông dân canh tác trên quy mô nhỏ. Những chính sách hỗ trợ và đầu tư cho khu vực nông thôn cần được điều chỉnh thỏa đáng để bảo đảm những hộ nông dân canh tác trên quy mô nhỏ có thể tham gia thị trường.
Theo nhandan.com.vn