Thế khó của Tây Ban Nha

07:11, 01/11/2017

Sau khi chính quyền Ca-ta-lô-ni-a tuyên bố độc lập, Chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra một loạt giải pháp mạnh tay nhằm lập lại trật tự ở vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, trước những phản ứng của người dân và chính quyền tự trị Ca-ta-lô-ni-a, có thể thấy cuộc khủng hoảng vẫn chưa thể đi đến hồi kết và sẽ khiến Ma-đrít và cả Liên hiệp châu Âu (EU) lo ngại, khi mà hiệu ứng Ca-ta-lô-ni-a đã tác động tiêu cực đến kinh tế Tây Ban Nha và đang có nguy cơ lan rộng.

Hôm 27-10 vừa qua, cơ quan lập pháp vùng tự trị Ca-ta-lô-ni-a của Tây Ban Nha đã chính thức tuyên bố độc lập. Tuyên bố đã đưa Thủ hiến Ca-ta-lô-ni-a C.Pui-đơ-môn cùng ban lãnh đạo Ca-ta-lô-ni-a về phía bên kia chiến tuyến với Chính phủ Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp đã lập tức khẳng định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Ca-ta-lô-ni-a là hành động vi hiến, đi ngược các mục tiêu và lý tưởng của EU. Ma-đrít đã quyết định giải tán cơ quan lập pháp Ca-ta-lô-ni-a, cách chức Thủ hiến C.Pui-đơ-môn cùng ban lãnh đạo chính quyền tự trị, đồng thời ra lệnh bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21-12 tới.

Trong cuộc chiến chống ly khai hiện nay, Ma-đrít có khá nhiều lợi thế khi “danh chính ngôn thuận” và được sự ủng hộ của EU cũng như dư luận quốc tế. Trong tuần qua, các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước thành viên EU đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối Ca-ta-lô-ni-a tuyên bố độc lập. Chính phủ Đức tuyên bố không công nhận tuyên bố độc lập của vùng Ca-ta-lô-ni-a. Chính quyền Áo nêu rõ tuyên bố độc lập đơn phương của vùng Ca-ta-lô-ni-a là "bất hợp pháp". Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ cũng khẳng định lập trường của EU ủng hộ chính quyền trung ương Tây Ban Nha và EU sẽ chỉ quan hệ với chính quyền trung ương Ma-đrít.

Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức trong việc lập lại trật tự ở Ca-ta-lô-ni-a. Trước hết, EU dù ủng hộ Ma-đrít trong vấn đề Ca-ta-lô-ni-a, song chưa sẵn sàng can thiệp vào cuộc khủng hoảng. Quan điểm của lãnh đạo EU hiện vẫn coi Ca-ta-lô-ni-a là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và phải tự giải quyết. Về lý lẽ, cả EU và Tây Ban Nha có một điểm yếu khác khiến họ khó thuyết phục chính quyền Ca-ta-lô-ni-a quy thuận là trong lịch sử, EU từng ủng hộ cộng đồng người gốc An-ba-ni chiếm đa số ở Cô-xô-vô ly khai, tách khỏi Xéc-bi-a. Điều này là đi ngược lại Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định Cô-xô-vô là một bộ phận của Xéc-bi-a. Vụ việc trong quá khứ nêu trên sẽ khiến lãnh đạo EU và lãnh đạo Tây Ban Nha hôm nay “há miệng mắc quai” và khó thuyết phục chính quyền Ca-ta-lô-ni-a “tâm phục khẩu phục”.

Một thách thức lớn với Tây Ban Nha là cuộc khủng hoảng Ca-ta-lô-ni-a có nguy cơ kéo dài và gây chia rẽ đất nước sâu sắc. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến vừa qua tại Ca-ta-lô-ni-a cho thấy, có tới 43% số ý kiến không ủng hộ chính quyền trung ương giải tán Hội đồng lập pháp và tổ chức bầu cử sớm ở Ca-ta-lô-ni-a. Trong khi đó, cựu Thủ hiến C.Pui-đơ-môn cùng nhóm chủ trương ly khai, đang tiếp tục kêu gọi công chức, viên chức vùng Ca-ta-lô-ni-a không tuân lệnh của chính phủ trung ương và tham gia các hoạt động phản kháng. Trước mắt, cuộc khủng hoảng Ca-ta-lô-ni-a đang gây ra các nguy cơ bất ổn an ninh lớn và phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế Ca-ta-lô-ni-a nói riêng và Tây Ban Nha nói chung. Trên thực tế, ngay sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha Ra-hoi tuyên bố giải tán cơ quan lập pháp Ca-ta-lô-ni-a, đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ và cả phản đối độc lập cho Ca-ta-lô-ni-a. Nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đã hiện hữu khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu “tháo chạy” khỏi Ca-ta-lô-ni-a. Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập, gần 1.700 doanh nghiệp đã quyết định chuyển trụ sở của mình khỏi vùng Ca-ta-lô-ni-a, trong đó có ngân hàng CaixaBank và Banco Sabadell, công ty khí Gas Natural, "người khổng lồ" bất động sản Colonial… Giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại tuyên bố độc lập sẽ kéo theo việc vùng Ca-ta-lô-ni-a sẽ phải rời khỏi EU, Khu vực đồng ơ-rô và thị trường chung EU. Công ty đánh giá tín dụng tài chính Fitch đã đặt chỉ số tín dụng tài chính của Ca-ta-lô-ni-a dưới sự giám sát đặc biệt và khả năng cao là chỉ số này sẽ bị hạ bậc. Một khi kinh tế Ca-ta-lô-ni-a bị khủng hoảng, đây cũng là thảm họa cho kinh tế Tây Ban Nha bởi vì vùng lãnh thổ này đang đóng góp tới 19% GDP, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài của Tây Ban Nha.

Ngoài ra, với lãnh đạo EU, sau sự kiện Brexit năm 2016, cuộc khủng hoảng Ca-ta-lô-ni-a khiến “bóng ma của chủ nghĩa ly khai” đang ám ảnh trở lại trên toàn châu Âu. Cuộc khủng hoảng Ca-ta-lô-ni-a đang tạo ra “hiệu ứng đô-mi-nô” lan rộng ở châu Âu, nhất là ở I-ta-li-a và Đức. Cuối tháng 10 vừa qua, người dân hai khu vực Lom-bát-đi và Vê-nê-tô, miền bắc I-ta-li-a, đã bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc đòi quyền tự trị. Một kịch bản tương tự Ca-ta-lô-ni-a cũng có nguy cơ xuất hiện ở bang Ba-va-ri-a của Đức, khi Đảng Ba-va-ri-a gần đây liên tục kêu gọi độc lập cho Nhà nước Bay-ơn tự do.

Những thách thức nêu trên cho thấy, dù chiếm thế thượng phong so với chính quyền Ca-ta-lô-ni-a song Chính phủ Tây Ban Nha cũng như các nhà lãnh đạo EU đang ở thế khó.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com