Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 21-11, Bộ trưởng Ba Lan U.Vác-di-câu-xki nhận định, Đức là nền kinh tế lớn nhất đồng thời có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ tại châu Âu. Vì vậy, việc các chính đảng nước này chưa tìm được tiếng nói chung để thành lập Chính phủ liên hiệp sẽ tác động tiêu cực tới tình hình quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) V.Đom-brốp-xki khẳng định, khủng hoảng chính trị tại Đức sẽ không cản trở kế hoạch cải cách mà EU dự định triển khai sau khi Anh rời mái nhà chung châu Âu (Brexit).
* Ngày 21-11, ông C.Schia-man, người từng giữ cương vị thẩm phán tại Tòa án Công lý Liên hiệp châu Âu (CJEU) cho biết, tính pháp lý của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU vẫn có thể bị ra tòa xem xét, trong trường hợp có đơn kiện của một doanh nghiệp hoặc cá nhân thuộc nước Anh hoặc ở bên ngoài. Trong trường hợp này, quá trình Brexit có thể sẽ kéo dài thêm một năm hoặc hơn nữa nhằm đạt một thỏa thuận khác với những điều khoản đã sửa đổi.
* Nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, Luân Đôn tin tưởng vấn đề biên giới với Ai-len sẽ được giải quyết trong tháng tới, mặc dù Ai-len dọa sẽ dùng quyền phủ quyết đàm phán thương mại Brexit bất chấp việc Thủ tướng Anh đề xuất tăng chi trả hóa đơn "ly dị" với EU lên tới 40 tỷ bảng. Ai-len cho biết, việc tăng tiền chi trả cho hóa đơn ly dị với EU chưa đủ để Anh có được các cuộc đàm phán thương mại. Anh cần bảo đảm sẽ không quay lại biên giới cứng giữa Ai-len và Bắc Ai-len (thuộc Anh).
Theo nhandan.com.vn